Thông tin được PGS.TS Nguyễn Bình Hòa, Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Phó Trưởng ban điều hành Chương trình chống lao quốc gia, cho biết tại chương trình Tổng kết dự án Sàng lọc lao, Covid-19 và một số bệnh nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến ở tuyến cơ sở tại Việt Nam, ngày 3/8.
Cụ thể, số ca tử vong do bệnh lao ở nước ta là 8.400 vào năm 2019, tăng lên 12.000 vào năm 2022. Cùng 2022, cả nước phát hiện 103.000 bệnh nhân lao, tăng gần 31% so với năm 2021 và 1,8% so với năm 2020.
"Hơn 20 năm qua, tỷ lệ mới mắc và tử vong do lao tại Việt Nam luôn trong chiều hướng suy giảm. Song, đại dịch Covid xảy ra đã đảo ngược kết quả nhiều năm phòng chống lao của nước ta", ông Hòa nói.
Theo đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều bệnh nhân lao không được phát hiện và điều trị, trở thành nguồn lây trong cộng đồng. Ngoài ra, chuỗi cung ứng trang thiết bị vật tư bị đình trệ khiến công tác phòng chống lao gián đoạn.
Bệnh lao vốn được coi là ''kẻ giết người thầm lặng'', thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến giai đoạn tử vong, bệnh đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, việc phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và dịch tễ bệnh lao. Mặt khác, bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn khi tuân thủ phác đồ và thời gian điều trị.
WHO vẫn đánh giá lao là một vấn đề y tế nghiêm trọng trên toàn cầu, ước tính năm 2022 có 10,6 triệu ca mắc và 1,6 triệu người tử vong. Việt Nam vẫn đứng thứ 11 một trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao đa kháng thuốc cao.
Hiện các hoạt động phòng chống lao dần trở lại bình thường. Từ tháng 11/2022, Chương trình Chống lao Quốc gia và Tổ chức FIND đã phối hợp triển khai dự án sàng lọc đồng thời lao, Covid và một số bệnh hô hấp tại hai huyện Ứng Hòa và Phúc Thọ (Hà Nội). Sau 6 tháng, hơn 22.600 người dân đã được sàng lọc, trong số này gần 3.800 người được sàng lọc lao, cao gấp hàng chục lần số ca phát hiện tại hai huyện vào năm ngoái.
"Kết quả này cho thấy được tiềm năng của mô hình sàng lọc đồng thời các bệnh đường hô hấp có cùng một số triệu chứng bệnh", bác sĩ Hòa nói.
Những ca có triệu chứng lao hoặc nằm trong nhóm nguy cơ cao nhiễm lao được lấy mẫu đờm tại trạm y tế xã và gửi đến Trung tâm y tế huyện xét nghiệm lao bằng GeneXpert – phương pháp có khả năng phát hiện lao và lao đa kháng thuốc. Những ca lao phát hiện được điều trị tại trung tâm y tế huyện; bệnh nhân lao kháng thuốc được chuyển lên Bệnh viện Phổi.
Lê Nga