Xong xuôi, Thái chào mọi người, kéo valy ra xe để bố đưa đi. Sau mấy ngày cách ly tại nhà, Thái được ra ngoài, gặp lại thầy cô và các bạn lớp 6A2, trường THCS Dĩnh Kế, TP Bắc Giang. "Nghĩ tới ba tuần sắp tới cùng ăn, cùng ở với những người bạn thân, cháu đã mỉm cười suốt dọc đường đi", cậu bé kể.
Thái học cùng lớp với một bạn có chị là F0, làm ở khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên. Hôm 9/5, Thái tới trường thi học kỳ II 3 môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh. Thi xong, cả lớp 6A2 cùng thầy cô phải ở lại lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tại nhà ngay chiều hôm đó. Vài ngày sau, bạn học có kết quả xét nghiệm lần 2 dương tính với nCoV, Thái và 39 bạn cùng lớp thuộc diện F1.
Công tác trong lĩnh vực y tế, anh Nguyễn Dũng, 38 tuổi, bố của Thái, đoán biết tình hình ngay khi con trai được ưu tiên xét nghiệm trước. Anh xác định tâm lý con có thể trở thành F1, thậm chí F0 bất cứ lúc nào. Anh lo con trai còn nhỏ tuổi, chưa ý thức được mức độ nguy hại của dịch bệnh, mải chơi không giữ khoảng cách hoặc bỏ khẩu trang ra.
Đưa con đến trường THCS Dĩnh Kế, anh Dũng gặp nhiều phụ huynh khác, tất cả đều tỏ ra căng thẳng. Sau khi được lấy mẫu xét nghiệm lần hai, 40 học sinh lớp 6A2 cùng một số bạn khác tiếp xúc gần được đưa sang khu cách ly là trường Tiểu học Dĩnh Kế ngay gần đó - ngôi trường em đã gắn bó suốt 5 năm tiểu học. Trường có khuôn viên rộng rãi, cơ sở vật chất khang trang. Nhiều mạnh thường quân mang đến đồ ăn, nước uống, sách, báo, truyện cho các em giải trí.
Các thầy được phân công ở cùng học sinh nam, còn cô giáo quản lý bạn nữ. Nhà trường còn phân một thầy phụ trách phòng cách ly và một thầy quản lý chung. 5-6 học sinh được xếp ở một phòng và ngủ trên những chiếc bàn lật ra làm giường. Các phòng đều có quạt, tivi và cửa sổ thoáng mát. Nhân viên y tế sẽ tới từng phòng đo thân nhiệt và hỏi triệu chứng của từng em vào buổi sáng.
Hàng ngày, thầy giáo cập nhật tình hình chi tiết giờ giấc ăn, ngủ và thể dục vào nhóm chung của lớp để bố mẹ theo dõi. Phụ huynh chỉ được gọi điện cho con hai lần, vào khung giờ buổi sáng và tối để các con có thời gian nghỉ ngơi.
Ngày nào anh Dũng cũng gọi điện 1-2 lần nhắc con ăn, ngủ đúng giờ, dặn đeo khẩu trang, sát khuẩn tay liên tục và giữ khoảng cách. Ngày đầu nhận điện thoại của bố, Thái say sưa kể về cuộc sống mới, với những việc chưa từng làm. Cậu được thầy cô hướng dẫn giặt quần áo và các kỹ năng sống khác. Thái cũng thích thú khi được các chú bộ đội hướng dẫn mắc màn, dạy gập chăn màn gọn gàng.
Nhưng đến ngày thứ hai, nhận ra đi cách ly không phải chuyến đi chơi như từng nghĩ, Thái buồn bã nghe điện thoại của bố. Ở nhà có máy tính, Thái có thể vào xem nhiều chương trình hoặc trò chơi hấp dẫn nhưng ở khu cách ly, cậu phải tuân thủ giờ giấc và giữ khoảng cách. "Con bảo trong này không có trò gì chơi, lại không được tụ tập nên không quen. Các bạn cùng phòng cũng đã nói với nhau hết chuyện. Chắc mấy hôm nữa con mới thích nghi được", anh Dũng kể.
Anh Dũng động viên con ở trong đó với thầy cô và các bạn, cố gắng thích nghi. Anh kể cho con nghe tình cảnh của bố mẹ và em gái hiện tại cũng phải cách ly ở nhà, không được ra ngoài và dán tờ giấy thông báo ngoài cổng. Thương con nhưng anh Dũng xác định tư tưởng và động viên vợ rằng con giống như đang đi trại hè quân đội, chỉ khác là có nguy cơ dịch bệnh.
"Đây sẽ là chuyến đi đáng nhớ nhất trong cuộc đời các con. Tôi hy vọng, sau 21 ngày gặp lại, con trưởng thành hơn, biết làm một số công việc mà bình thường không làm", anh Dũng nói.
Cũng có con đi cách ly đợt này, chị Hồng Mai, 40 tuổi, chia sẻ hôm chở con gái tới trường, chị Mai khóc suốt dọc đường vì chưa bao giờ phải xa con lâu như thế. Nhưng qua vài ngày, chị thấy yên tâm khi con chủ động trong các công việc hàng ngày. Hôm mới tới khu cách ly, con được phát chậu và mắc áo, được dạy giặt quần áo và xếp gọn gàng đồ dùng sau khi sử dụng.
Con mang theo điện thoại nên nhắn tin chia sẻ với mẹ hàng ngày. Trong những cuộc gọi, con gái khoe với mẹ về bữa cơm và bữa ăn phụ ngon. Con tíu tít trò chuyện, sáng dậy đúng giờ, xuống xếp hàng dưới sân tập thể dục và đến bữa lấy đồ ăn. Con cũng tự giặt quần áo, biết cách phân loại rác và tự đi đổ rác.
Những lúc ở trong phòng, con xem tivi hoặc đọc sách, truyện do các nhà hảo tâm gửi vào. "Lúc đầu chưa quen nếp sống mới, con vẫn còn buồn ngủ. Sau ý thức được việc cần nhanh nhẹn để người khác không phải chờ đợi, con đã dần bắt nhịp", chị Mai kể và cho rằng ba tuần cách ly là kỳ nghỉ hè không mong muốn, nhưng cũng là cơ hội để con rèn sự tự lập, có trải nghiệm trong cuộc đời học sinh.
Thầy Nguyễn Văn Thọ, Hiệu trưởng THCS Dĩnh Kế, cho biết toàn bộ học sinh lớp 6A2 và 17 giáo viên phải cách ly tại nhà từ ngày 9/5, đến 13/5 thì cách ly tập trung. Học sinh đã thi xong học kỳ II, xem như đã bước vào kỳ nghỉ hè. Lúc mới vào có chút bỡ ngỡ, giờ các em đã quen và chấp hành tốt nội quy khu cách ly.
Bắc Giang đang là điểm nóng Covid-19 với 350 ca cộng đồng trong đợt dịch thứ tư. Tỉnh tồn tại 3 ổ dịch là xã Phương Sơn, huyện Lục Nam (liên quan đến Bệnh viện K Hà Nội) với 4 ca nhiễm, hiện đã được khống chế, không còn khả năng bùng phát ra cộng đồng.
Ổ dịch thứ hai tại Công ty SJ Tech - khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên (liên quan đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2) có 105 ca nhiễm. Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh, đến nay nơi này cơ bản đã qua đỉnh dịch, chỉ còn xuất hiện F0 trong khu cách ly tập trung và một vài trường hợp công nhân đi cùng xe, mức độ lây lan ra cộng đồng rất thấp.
Ổ dịch thứ ba tại Công ty Hosiden Việt Nam, khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, tốc độ lây lan nhanh do công nhân chuyên lắp ráp linh kiện, bo mạch điện tử, màn hình cảm ứng... trong phòng lạnh, khép kín. Qua test nhanh, tối 14/5 có 12 F0, đến chiều qua tổng số F0 ở Công ty Hosiden Việt Nam là 159.
Bình Minh
*Tên học sinh và phụ huynh đã được thay đổi.