Các công ty tại Thung lũng Silicon đang chi tiền khá mạnh tay. Năm ngoái, tổng giá trị các vụ mua bán và sáp nhập (M&A) trong giới công nghệ Mỹ đã lên tới 184 tỷ USD, theo hãng nghiên cứu Dealogic. Năm nay, con số này được dự đoán còn tăng. Tuần trước, Salesforce - hãng chuyên cung cấp phần mềm kinh doanh trên nền điện toán đám mây, đã nhận được một số đề nghị mua lại. Microsoft và Oracle được cho là những người mua tiềm năng.
Với thị giá lên tới 48 tỷ USD hiện tại, Salesforce chắc chắn không phải là một món dễ xơi. Nhưng rất nhiều doanh nghiệp Mỹ thừa điều kiện đáp ứng. Ví dụ, Microsoft hiện có 95 tỷ USD tiền mặt và các khoản đầu tư ngắn hạn. Trong 10 doanh nghiệp Mỹ có lượng tiền mặt lớn nhất (trừ các công ty tài chính), có tới 6 đại diện công nghệ, đứng đầu là Apple. Những công ty này có tổng tiền mặt lên tới 485 tỷ USD. Cộng với giá cổ phiếu cao, các ông lớn ngành công nghệ đang trở nên tiềm năng hơn bao giờ hết khi có ý định "nuốt chửng" các công ty khác.
Bên cạnh đó, hàng loạt các công ty khác, từ các doanh nghiệp truyền thông kiểu cũ cho tới những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Alibaba và Tencent, đều đang thăm dò Thung lũng Silicon để tiếp cận các doanh nghiệp trực tuyến Mỹ.
Dù triển vọng tăng trưởng lớn của ngành công nghiệp Internet đã làm tăng giá cổ phiếu của nhiều công ty, giới quan sát vẫn nghi ngại lợi thế này sẽ không tồn tại được lâu. Gần đây, Twitter và LinkedIn đều không đạt lợi nhuận dự báo, khiến giá cổ phiếu lần lượt giảm 28% và 21%. Hoạt động kém hiệu quả có thể làm giảm giá trị của công ty, biến doanh nghiệp thành miếng mồi ngon của các ông lớn.
Với 24 tỷ USD vốn hóa thị trường (tháng trước là 33 tỷ USD), Twitter vẫn là miếng bánh lớn khó nuốt. Họ thậm chí vẫn đang mua lại những doanh nghiệp nhỏ hơn để mở rộng quy mô. Tuy nhiên, cách quản lý của ban lãnh đạo đang gây thất vọng cho các nhà đầu tư, bởi họ đã hy vọng công ty có thể tăng trưởng nhanh hơn. Nếu tình hình này không được cải thiện, chẳng có gì đảm bảo Twitter sẽ không rơi vào tầm ngắm của một công ty khác.
Google là người mua tiềm năng nhất. Vấn đề lớn nhất của Twitter hiện nay là vẫn bị các nhà quảng cáo xem nhẹ. Google - ông trùm về quảng cáo trực tuyến có thể giúp họ giải quyết vấn đề này. Mối quan hệ giữa hai doanh nghiệp đang ngày càng trở nên khăng khít. Khi công bố lợi nhuận quý đầu vào cuối tháng trước, Twitter tuyên bố sẽ hợp tác với Google để giúp công ty này bán và đánh giá hiệu quả hoạt động quảng cáo. Tencent, nhà sáng lập WeChat cũng tỏ ra hứng thú với Twitter, dù Chính phủ Mỹ rõ ràng sẽ e ngại khi Twitter rơi vào tay doanh nghiệp Trung Quốc.
Những công ty quy mô trung bình đang dần ý thức được họ sẽ không đạt mục tiêu về doanh thu và khách hàng như kỳ vọng. Nói cách khác, quảng cáo trực tuyến sẽ là một cuộc chơi khó khăn cho những công ty "không phải Google hay Facebook", Brian Wieser tại hãng nghiên cứu Pivotal cho biết. Bốn đại gia - Google, Facebook, Baidu và Alibaba hiện chiếm tới hơn nửa thị trường quảng cáo số toàn cầu.
Yahoo, ông trùm Internet cuối thập niên 90, vẫn luôn là mục tiêu thâu tóm. Họ đang muốn mảng khoản đầu tư tại Alibaba và cổ phần trong Yahoo Nhật Bản. Nhưng sau đó, CEO Yahoo - Marissa Mayer sẽ không còn cách nào để làm vui lòng các nhà đầu tư được nữa. Giới phân tích từng cho rằng Yahoo và AOL - một cổng thông tin khác, nên sáp nhập để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, vấn đề là cả bà Mayer và Tim Armstrong - ông chủ AOL, đều muốn giữ ghế của mình.
Yahoo cũng có thể là một món mồi hấp dẫn với một công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân, hoặc một công ty truyền thông kiểu cũ đang muốn tăng cường hoạt động video trực tuyến. Comcast gần đây đã hạ giá chào mua công ty đối thủ - Time Warner Cable, do các lo ngại chống độc quyền. Hiện Comcast khá dư dả về tài chính và đang tìm hướng đầu tư.
Việc mua lại công ty khác sẽ dễ dàng hơn khi bạn chia nhỏ mục tiêu. eBay và PayPal hiện vẫn cùng một mái nhà, nhưng họ sẽ tách nhau ra trong năm nay. Vấn đề chỉ là hai hãng có thể hoạt động độc lập trong bao lâu? eBay đã để mất người dùng vào những trang web khác như Amazon. Đại gia thương mại điện tửTrung Quốc - Alibaba có thể sẽ có ý định mua lại eBay. Còn PayPal, với dịch vụ thanh toán và chuyển tiền qua mạng, nhiều khả năng sẽ lọt vào mắt xanh của các ngân hàng và công ty tín dụng, như American Express. Những doanh nghiệp này đang muốn tăng cường vị thế của mình trong lĩnh vực thanh toán di động và trực tuyến.
Một vài công ty lại muốn bành trướng trong lĩnh vực họ đã có lợi thế sẵn, để có thể dễ dàng hất cẳng đối thủ ra khỏi thị trường. "Lợi thế trên Internet là chính quyền không lường được hết khả năng thống trị của bạn, và bởi thế bạn hoàn toàn có thể dựng nên các đế chế độc quyền", một nhà đầu tư kỳ cựu cho biết. Như Google đang nằm trong vòng kiểm soát gắt gao của các nhà quản lý châu Âu.
Một số doanh nghiệp khác lại muốn đầu tư vào các lĩnh vực mới, không liên quan tới hoạt động hiện tại. Microsoft chuyên sản xuất phần mềm, nhưng cũng không có nghĩa họ không thể mua lại mạng xã hội việc làm LinkedIn. Còn năm ngoái, Facebook đã mua Oculus VR, một công ty chuyên sản xuất các thiết bị thực tế ảo, với giá 2 tỷ USD. Mark Zuckerberg hiện vẫn chưa có kế hoạch cụ thể với Oculus, nhưng anh tin chắc công ty này sẽ ăn nên làm ra.
Việc kinh doanh trên Internet càng phát triển, hoạt động mua bán - sáp nhập sẽ càng sôi động. Mark Mahaney – nhà phân tích tại RBC Capital Markets đã lấy ví dụ về những công ty du lịch trực tuyến đang mọc lên khắp nơi, bên cạnh các mạng xã hội. Các dịch vụ như thế này đã phát triển từ cuối những năm 90, và hiện ở Mỹ có hai ông trùm trong lĩnh vực này là Priceline và Expedia.
Tương lai các thương vụ ở Thung lũng Silicon sẽ xoay quanh việc định giá, lãi suất thấp và tình trạng của thị trường chứng khoán. Một vài người lo ngại sự suy yếu gần đây của Twitter và LinkedIn liệu có phải điềm báo cho một "cơn địa chấn" trong ngành hay không. Dù tình hình có vẻ đã lắng xuống, và mối quan tâm của nhà đầu tư hiện chỉ tập trung vào một số công ty nhất định không hoàn thành chỉ tiêu đề ra, một số người vẫn băn khoăn liệu một sự thay đổi lớn trong ngành công nghiệp Internet có đang đến gần. Những gã khổng lồ chắc chắn sẽ quan tâm tới thời điểm thích hợp để hành động hơn là khi nào thì giá giảm và các nhà đầu tư sẵn sàng bán.
Hà Tường (theo Economist)