Cái thềm gạch rộng thênh thang ba thứ đồ vật cố hữu: Vại cà nén, cái giành mắt cáo có 3 chân để úp bát đũa và cái chậu sắt tráng men để rửa mặt. Bà Mẫn lẩn thẩn nhướng mắt nhìn ba thứ vật dụng quen thuộc ấy rồi lại lưỡng lự bước qua bực cửa vào nhà. Một tiếng thở dài bị nén lại và nhả ra rất từ từ, rất khẽ. Bà sợ ông Sạn trong nhà nghe thấy.
Chuông đồng hồ treo tường nhả ra mười tiếng cổ lỗ, hơi chói gắt. Bà Mẫn chép miệng, ngồi xuống góc chiếc sập gụ bóng: "Đang đông chợ rồi đấy". Ông Sạn ngồi bó gối trong góc sập, gác chiếc cằm dài ngoẵng lên cánh tay, bất động từ sáng tới giờ mới nói một câu: "Hay ông trông nhà hộ tôi nhá? Tôi chạy ù đi một tí rồi về ngay ấy mà!". Bà Mẫn te tái xuống bếp, ra cầu ao. Ông Sạn thong thả kéo điếu, véo thuốc vê vê mãi rồi mới nạp vào nõ. Bà Mẫn vội buông chiếc giỏ tre ngang hông, bước thấp bước cao, lắp tắp như sợ ông Sạn đổi ý gọi bà về.
Nắng đồng bãi quánh đặc tưởng có thể xắn ra thành từng khối. Bà Mẫn lui cui đi mò một mình, dở dang giữa buổi, không chị không em. Làm ăn bất kể thứ gì mà một thân một mình đều là khổ cả. Các cụ ngày trước bảo "Ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân" thật chẳng sai. Gái làng Yên xưa nay, đã đi mò tôm, mò cá ở bãi ngoài thì phải gọi nhau đi hàng đoàn và từ lúc chưa mọc mặt trời. "Tôm toá sáng, cá rạng đông", cho đến lúc mặt trời nhô lên trên cánh bãi thì những người "sát cá" cũng đã kiếm hẳn được một mớ cá tươi rói. Họ chạy uỳnh uỵch, quáng quàng về bán cá chợ sớm để rồi lại quáng quàng ra bãi mò vét lần hai. Lần hai là khoảng hơn chín giờ sáng cho đến trưa, là lần mò phụ, được sao hay vậy, tạp nham cả tôm, cáy, cá bống cơm... Nếu thành tấm thành món thì bán luôn dưới chợ trưa, còn không thì lại tất cả đem về cho ở nhà kịp kho kho, nấu nấu. Từ dạo tham gia làm công tác phụ nữ xã, thi thoảng bà Mẫn mới có dịp tranh thủ đi mò giữa buổi như vậy. Đi mò cua bắt cá ì oạp nơi đồng bãi cũng là một nghề của gái làng Yên này. Cả tổng, cả huyện chỉ có riêng làng Yên là có cái nghề độc đó - nghe nói là từ thời Mai An Tiêm để lại ấy. Người thì bảo đấy là nghề "sang", người lại bảo "dân cùng đinh, thiếu ruộng, thiếu nghề" mới phải mò cua, bắt bớp. Nghe những chuyện cãi vã ấy, bà Mẫn vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa cười trừ. Sang hèn gì thì đời bà coi như đã nếm đủ. Thời cuộc nó cứ chuyển vận ầm ầm, thì giờ đâu mà ngồi cãi nhau hèn hay sang. Kể ra mỗi bên đều có cái lý của mình. Bà Mẫn như vụt nhớ lại thời xuân sắc với những ngày đẹp đẽ của những cô Tấm thuở mò cua bắt bống ngoài bãi.
Thuở ấy, dân nội đồng nể cô Mẫn một vành. Người mò cua đồng bãi, suốt ngày úp mặt xuống đầm lầy, nắng và gió chao chát thế mà da dẻ vẫn trắng như ngó cần thì thật là lạ. Đã thế, Mẫn lại có biệt tài bắt cá lác hoa giỏi đến mức có người đi kè kè bên cạnh, cố học lấy ngón nghề mà vẫn không học được. Mẫn đâu có giấu nghề. "Người ta bắt cá lác bằng mắt em ạ. Cố mà nhìn xem cái vệt vây cá nó vật trên bùn, in đậm ngả nào thì đích thị con cá đang ẩn dưới bùn cạnh đó". Thế nhưng cả làng, ai cần cá lác hoa kho với ngọn rau dừa và lá gừng cho bà đẻ ăn cứ phải đến cầu cạnh cô Mẫn. Đàn ông làng Yên để tỏ lòng thơm thảo với vợ lúc sinh đẻ ốm đau đều so bì nhau bằng nồi đất kho cá lác. Muốn có nồi cá lác hoa kho khô phải dặn trước cô Mẫn vài ba ngày. Đám phó cối, thợ ngoã, thợ xắn đất vượt thổ, thợ cày thuê... không ai lại có thu nhập cao bằng Mẫn, mặc dù mỗi mớ cá lác, Mẫn chỉ lấy nhỉnh hơn mớ cá thường có hai hào bạc.
Làng Yên có một lệ bất thành văn ngay từ thời cụ Nguyễn Công Trứ gọi dân đi khai phá bãi phù sa để lập ấp, ấy là việc chỉ có những chàng trai thật tài giỏi hoặc học hành đỗ đạt cao mới được sánh duyên cùng những cô gái giỏi nghề mò xới cá lác hoa. Mẫn là bậc thầy của những cô gái ấy. Vì thế cho nên anh Vượng từ mặt trận đường số 6 về phép, trình giấy Uỷ ban kháng chiến xã ngày trước thì ngày sau, mai mối gia đình đôi bên cũng đã hòm hòm. Ngày cưới Vượng - Mẫn, khắp cả làng, ở chỗ nào cũng thấy râm ran câu hát vít vổng: "... Gái thôn Đoài là em gái thôn Đoài/ Trai thôn Thượng là anh trai thôn Thượng/ Đánh giặc cừ mà làm ruộng cũng hăng...". Ở với vợ được ba ngày hai đêm, anh Vượng xốc ba lô ra đi, đi mãi đến nay. Mộ chí trên Mường Thanh chỉ là một nấm đất tượng trưng. Có người bảo anh ở bộ đội bí mật đặc biệt.
Ngày vui ngắn chẳng tày gang. Vượng đi rồi, nhà chỉ còn có Mẫn vừa xới xáo vườn tược vừa chăm nuôi bà mẹ chồng goá bụa mắc bệnh nghễnh ngãng, mấy năm nay lại thêm chứng quáng gà. Bà đổ bệnh từ khi nghe tin chồng - ông Vưởng làm phu vác đá ngoài mỏ Tràng Kênh bị chết mất xác vì là người đầu tiên vận động thợ mỏ biểu tình đòi tăng lương và ủng hộ phong trào đấu tranh của công nhân nhà đền Bến Thuỷ. Người hàng tổng đồn đãi, ông Vưởng làm cộng sản, chả biết thật hư ra sao, chỉ biết làng có thêm một người phụ nữ goá bụa và Vượng có thêm một tên gọi mới: cu Côi! Những đứa trẻ làng Yên bị mất cha, không hiểu sao ngày càng nhiều. Lớn tồng ngồng như cây sào, cưới vợ đến nơi mà vẫn cứ bị gọi là cu Côi như thường.
Mẫn có nghén. Vui mà lo, nỗi lo mơ hồ mà dường như hiện hữu. Lạy giời, mai kia, đứa trẻ lớn lên, là gái thì có nghề bắt cá lác hoa giỏi, là trai thì không phải kèm theo tên tục cu Côi. Thật là cơ khổ, đời con người ta có phận nên chạy trời mà không khỏi nắng. Đàn bà con gái trong làng đến kỳ sinh nở, kiêng cữ, ít nhiều gì cũng có đôi ba nồi cá lác om với gừng, với khế, với rau dừa nước. Thế mà đến lượt mình sinh nở thì Mẫn lại chỉ có mỗi một mớ cá bống cơm mua vội mua vàng dưới chợ chiều. Cái chuyện thua thiệt ấy thôi thì cũng coi như là chuyện vặt vãnh. Cá bống cơm nhỏ như đầu đũa, cũng gừng, cũng khế, cũng nồi đất om trấu vàng cườm như ai. Cái chuyện lớn lao, chuyện đau lòng là thằng cu Vương sinh ra, nồi cá bống kho cho người ở cữ chưa vẹt hết một phần thì ngày nó nhận tên là cu Vương đồng thời cũng là ngày nó nhận thêm một cái tên chẳng ai muốn: cu Côi! Mẫn choáng váng, bậm môi đến bật máu, nghiến răng kìm nén trước thân phận mình để chăm sóc mẹ chồng và nuôi thằng Vương khôn lớn. Chị luôn giật mìnhh mỗi khi nghe ai đó gọi con: Ơi cu Côi!