Nhạc sĩ viết ca khúc ngày 16/11, chỉ mất một giờ để hoàn thành phần lời và thu âm. Tiếng chuông ngân trong gió được thầy giáo Hồng Phúc hòa âm cùng tiếng sáo của thầy giáo Trần Thiên Lâm (Nhạc viện TP HCM). Ca sĩ Đức Nhân - sinh năm 1995, vừa tốt nghiệp thủ khoa Nhạc viện - là người thể hiện. Anh xúc động trong phòng thu vì nghĩ đến những mất mát do dịch.
Theo Nguyễn Bá Hùng, tên nhạc phẩm lấy cảm hứng từ tiếng chuông chùa, nhà thờ với ý nghĩa dư âm của người đã mất luôn vang vọng và được nhớ mãi về sau. Anh nói: "Bài hát như một lời tạm biệt đối với những người qua đời vì đại dịch. Tôi muốn truyền tải thông điệp tích cực đó là những người còn sống sẽ thay người đã khuất làm những điều thật ý nghĩa, gánh vác trọng trách như chăm sóc người già neo đơn, trẻ mồ côi".
Bài hát có giai điệu nhẹ nhàng, ca từ như lời nhắn nhủ: "Nghe hương bay trong gió thơm/ Thương ai qua bên kia trời/ Lời chưa nói với người ở lại/ Lời gửi gắm biết ngỏ cùng ai?... Xin dâng đây nén tâm hương/ Cho âm dương giao hòa/ Lời chưa nói, xin nhắn gửi/ Người còn sống, sống thay người nằm lại..."
Trước đó, Nguyễn Bá Hùng từng sáng tác ca khúc về dịch như: Thương nhớ Sài Gòn, Tôi có vài cuộc hẹn (Nguyễn Phi Hùng), Chia nhau một chút ngọt bùi (Tạ Minh Tâm). Nhạc sĩ quê Hà Tĩnh, từng là thầy giáo ở Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch TP HCM. Năm 2018, anh chuyển sang sáng tác nhạc, chuyên viết về quê hương, đất nước. Một số sáng tác của anh được các ca sĩ thể hiện như: Dạo này anh thế nào (Tuyết Mai), Lời mẹ cho con (Hồ Quang Hiếu), Những ngôi sao đỏ (Đào Mác)...
Lễ tưởng niệm nạn nhân Covid-19 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và TP HCM phối hợp tổ chức lúc 20h ngày 19/11, nhằm chia sẻ, động viên trước những mất mát, đau thương của hàng chục nghìn gia đình đã mất người thân.
Hoàng Dung