![]() |
Cá heo con làm quen với nước ngay khi ra đời. |
Sự ra đời của nó đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực bảo tồn động vật biển quý hiếm trên thế giới.
Chú cá heo nhỏ xíu mới sinh tại Hong Kong là một trong hai con đầu tiên ra đời từ phương pháp thụ tinh nhân tạo. Đôi cá nhỏ (hiện vẫn chưa có tên) gồm một đực và một cái, chào đời cách nhau 9 ngày vào cuối tháng 5 vừa qua. Đây là thành công lớn trong nỗ lực làm giảm bớt sự giao phối gần (giao phối cận huyết) của cá heo được nuôi nhốt, nâng cao hiệu quả bảo tồn loài thú biển có nguy cơ tuyệt chủng này. Mẹ của chúng, Ada và Gina, đều là cá heo mũi to, đã trở thành những con cá heo đầu tiên trên thế giới được thụ tinh nhân tạo thành công hồi cuối tháng 6 năm ngoái.
Sử dụng sóng siêu âm, các nhà khoa học thuộc Đại học Polytechnic (Hong Kong) và hồ nuôi cá của Công viên Biển và Thế giới Biển (Mỹ) lần đầu tiên đã có thể dự báo chính xác sự rụng trứng của cá heo. Cá heo là loài có chu kỳ rụng trứng rất thất thường. Điều này khiến cho việc thụ tinh nhân tạo đặc biệt khó khăn. Một vài thí nghiệm trước đó tại Mỹ đều đã thất bại.
“Cá heo con to, béo và rất mạnh khoẻ”, Fiona Brook, Trưởng dự án nghiên cứu kéo dài 12 năm này cho biết.
Hy vọng mới
Hiện nay, khả năng sinh sản của cá heo không có gì đáng ngại. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ trong môi trường nuôi nhốt, cá heo chỉ có cơ hội giao phối cận huyết. Nếu duy trì quá trình này quá lâu, thế hệ cá con sẽ ngày càng suy giảm sức sống. Vì vậy, thụ tinh nhân tạo sẽ giúp chúng đa dạng hoá bộ gene, đồng thời giảm bớt nhu cầu phải đưa cá heo vào môi trường tự nhiên để giao phối.
Ada 17 tuổi và Gina 20 tuổi được đưa từ Indonesia tới. Một năm trước đây, người ta thụ tinh nhân tạo cho chúng bằng tinh trùng của một con cá heo đực có tên Molly, 17 tuổi, cũng là cư dân của Công viên Biển.
Các nhà khoa học hy vọng công nghệ này sẽ giúp bảo tồn cá heo cũng như các loài động vật biển quý hiếm khác. Mục tiêu sắp tới của họ là loài cá heo hồng, còn được gọi là cá heo trắng Trung Quốc - loài đang phải đối mặt với nạn tuyệt chủng do nạn ô nhiễm và đánh bắt quá mức. Các nhà khoa học cũng mong muốn có thể sử dụng tinh trùng đông lạnh để mở rộng việc chuyển giao tinh trùng cá heo trên khắp thế giới.
B.H. (theo Reuters, 28/6)