Cá heo mũi chai hợp tác với ngư dân để bắt cá đối. Video: IFL Science
Mỗi mùa hè ở đường sông bên ngoài thị trấn Laguna phía đông nam Brazil, ngư dân lội xuống những kênh đào ở cửa sông để thả lưới nhằm bắt cá đối di cư. Nước sông đục ngầu và cá đối rất khó phát hiện. Tuy nhiên, ngư dân thường nhận được sự trợ giúp từ cá heo mũi chai. Chúng lùa cá đối vào lưới. Con người và cá heo mũi chai đã hợp tác đánh bắt cá suốt nhiều thế hệ.
Trong nghiên cứu công bố hôm 30/1 trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Science, các nhà khoa học Brazil báo cáo cá heo có thể hưởng lợi từ quan hệ hợp tác nhiều ngang con người. Cá thể bắt cá cùng con người dường như sống lâu hơn những con cá heo khác trong khu vực. "Nhìn chung, hợp tác giữa con người và động vật hoang dã là hiện tượng hiếm gặp trên quy mô toàn cầu", Mauricio Cantor, nhà sinh vật học ở Đại học Oregon, cho biết. "Thông thường, con người thu được lợi ích và tự nhiên phải trả giá. Nhưng quan hệ hợp tác này đã kéo dài hơn 150 năm".
Con người kết hợp với nhiều loài để tìm kiếm thức ăn suốt hàng thiên niên kỷ, ví dụ người bản xứ châu Mỹ đi săn cùng chó sói. Ngư dân thả lưới hợp tác với cá heo không phải tập tục chỉ có ở Brazil mà còn được ghi nhận ở Mauritania, Myanmar và Ấn Độ, nhưng cá heo mũi chai ở Laguna là nổi tiếng nhất.
Quần thể gồm hơn 5 chục con cá heo hợp tác với ngư dân ở địa phương được theo dõi có hệ thống từ năm 2007, theo Fábio G. Daura-Jorge, nhà sinh vật học ở Đại học Liên bang Santa Catarina, Brazil, đồng tác giả nghiên cứu. Năm 2017, G. Daura-Jorge và cộng sự bắt đầu khảo sát cả cá heo và nhiều loài cá khác bằng định vị vệ tinh (GPS), drone và sóng âm. Nhóm nghiên cứu nhận thấy cá heo thông qua hành động lặn sâu đột ngột để phát tín hiệu chúng đang lùa con mồi vào phạm vi lưới của ngư dân. 86% lần bắt cá thành công trong thời kỳ nghiên cứu đến từ việc ngư dân nhận biết hành vi của cá heo. Mấu chốt là quan sát cẩn thận và căn chuẩn thời gian. Những người thả lưới quá chậm hoặc bỏ lỡ tín hiệu từ cá heo ít có khả năng bắt được cá hơn.
Cá heo cũng cẩn thận căn thời gian kiếm ăn. Các nhà nghiên cứu sử dụng đầu thu sóng dưới nước để đo tiếng vang của loài vật. Mức độ phát ra tiếng vang gia tăng khi lưới chạm nước. Khi ngư dân thả lưới thành công, cá heo nhắm vào cá đối bơi lạc hoặc kéo vài con cá từ bên trong lưới. Nếu ngư dân không thả lưới kịp thời hoặc không đáp lại tín hiệu, cá heo sẽ không tấn công. Các ngư dân chia sẻ hàng loạt kinh nghiệm với nhóm nghiên cứu về cách cá heo và con mồi xử sự. Họ biết làm thế nào để nhận biết cá heo đối tác, đồng thời xác định được tiếng vang mà cá heo tạo ra.
Chiến thuật trên mang lại lợi ích rõ ràng cho cá heo. Khả năng sống sót đến tuổi trưởng thành tăng thêm 13% đối với cá heo đi săn cùng con người. Cá heo hợp tác có xu hướng nán lại gần khu vực đánh bắt cá mà chúng chia sẻ với con người, trong khi những con khác di chuyển rộng hơn và khả năng bị mắc lưới cũng cao hơn gấp ba lần.
An Khang (Theo IFL Science)