Firth of Clyde, một vịnh nước mặn lớn ở vùng ven biển phía tây Scotland là nơi ở của hàng nghìn con cá heo cảng và một con cá heo hoang dã tên Kylie. Các nhà nghiên cứu chưa bao giờ quan sát thấy Kylie ở cùng những con cá heo mõm ngắn khác (Delphinus delphis) trong ít nhất 14 năm nhưng nó không hề đơn độc. Vào các ngày trời quang ở Clyde, du khách tới bến tàu đôi khi có thể thấy Kylie bơi cùng cá heo cảng (Phocoena phocoena), loài họ hàng lớn bằng 2/3 kích thước của nó.
Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Bioacoustics cho thấy Kylie gắn bó với cá heo cảng hơn nhiều so với tưởng tượng của các nhà khoa học. Trong khi âm thanh của cá heo mõm ngắn bao gồm nhiều loại tiếng kêu đa dạng như tiếng lách cách, huýt sáo và tiếng rung, Kylie không huýt sáo. Thay vào đó, nó "nói chuyện" giống cá heo cảng hơn, loài vốn giao tiếp thông qua từng tràng tiếng lách cách âm độ cao. Nghiên cứu chỉ ra Kylie có thể đang nỗ lực giao tiếp với cá heo cảng, một ví dụ cho tương tác phong phú giữa các loài động vật biển có vú, theo chuyên gia hành vi Denise Herzing.
Cách đây nhiều năm, con cá heo mõm ngắn duy nhất ở Clyde xuất hiện ở miệng hồ Kyles of Bute, vì vậy người dân địa phương gọi nó là Kylie. Không ai biết con cá heo đến từ đâu hay tại sao nó ở một mình, theo David Nairn, nhà sáng lập kiêm giám đốc Clyde Porpoise, tổ chức chuyên nghiên cứu và bảo vệ động vật biển có vú.
Một số con cá heo sống một mình sau khi bị tách khỏi đàn do giông bão, hoạt động của con người, hoặc do mồ côi. Để tìm hiểu thêm về mối quan hệ của Kylie với cá heo cảng, Nairn mượn một đầu thu sóng dưới nước và kéo phía sau thuyền buồm Saorsa của ông. Nairn ghi lại âm thanh từ nhiều lần gặp gỡ giữa Kylie và những con cá heo cảng từ năm 2016 đến năm 2018.
Mel Cosentino, khi đó là nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học Strathclyde tại Glasgow, nghiền ngẫm hàng nghìn tiếng lách cách dưới dạng sóng siêu âm của động vật biển có vú từ băng ghi âm. Trong khi cá heo mõm ngắn huýt sáo gần như thường xuyên, cá heo cảng không bao giờ làm vậy. Thay vào đó, chúng chỉ sử dụng tiếng lách cách tần số cao với dải tần hẹp (NBHF), với 8 - 15 biên độ đỉnh ở mức 130 kilohert. Để nghe một tiếng lách cách NBHF, các nhà nghiên cứu phải bật băng chậm hơn 100 lần.
Từ băng ghi âm, Cosentino nhận dạng tiếng lách cách tần số thấp tiêu chuẩn của cá heo mõm ngắn. Nhưng ngay cả khi Kylie ở một mình, Cosentino vẫn phát hiện tiếng lách cách có ít nhất 8 đỉnh biên độ ở mức 130 kilohertz, tần số mà cá heo cảng thường dùng để trò chuyện với nhau. Nói cách khác, Kylie nói chuyện như một con cá heo cảng. Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy nó không bao giờ huýt sáo như cá heo mõm ngắn thường làm.
Cosentino quan sát sự trao đổi giữa Kylie và cá heo cảng có nhịp điệu như giữa các thành viên cùng loài. Chúng thay phiên nhau nói chuyện và rất ít khi nói trùng nhau. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu chưa rõ âm thanh do Kylie tạo ra chứa đựng bao nhiêu thông tin có ý nghĩa.
An Khang (Theo National Geographic)