Nổi tiếng với khả năng bám vào động vật biển lớn hơn thông qua những giác mút cực khỏe ở đầu, loài cá nhỏ có tên khoa học Remora brachyptera từ lâu đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học đối với cách chúng di chuyển và tự vệ. Nghiên cứu mới công bố hôm 28/10 trên tạp chí Experimental Biology tìm hiểu chi tiết hành vi của loài cá này thông qua những hình ảnh đầu tiên cho thấy cá giác mút lướt sóng, kiếm ăn và thậm chí tụ họp với nhau trên bề mặt da cá voi xanh.
Dù trước đây các nhà khoa học từng nghiên cứu cá giác mút, hiểu biết về hành vi dưới nước của chúng vẫn còn hạn chế. Những bức ảnh tĩnh và lời kể của ngư dân hé lộ cá giác mút thường bám vào cá mập để đi nhờ và ăn mẩu vụn còn sót lại.
Nhóm nghiên cứu đến từ Viện Công nghệ New Jersey (NJIT) tình cờ ghi hình cá giác mút khi nghiên cứu động lực học chất lưu của cá voi xanh ở ngoài khơi California bằng thẻ cảm biến sinh học và camera kép gắn vào động vật biển có vú bằng một loạt đĩa hút. Những thẻ này được sử dụng để thu thập thông tin về áp suất bề mặt và thủy lực khi cá voi di chuyển trong nước trong khi camera ghi lại mọi hoạt động của chúng với độ phân giải 720 pixel.
"Nhờ may mắn, camera của chúng tôi ghi hình cách cá giác mút tương tác trong môi trường này và sử dụng động lực chất lưu của cá voi theo hướng có lợi cho chúng", nhà nghiên cứu Brooke Flammang ở NJIT cho biết. "Phát hiện rất đặc biệt bởi chúng tôi thực sự không biết cá giác mút cư xử như thế nào trên vật chủ trong tự nhiên suốt thời gian dài".
Nhóm nghiên cứu lần đầu tiên quay được cảnh cá giác mút tự bám vào vật chủ, trong trường hợp này là một con cá voi xanh. Kết quả phân tích cho thấy cá giác mút rất thông minh khi lựa chọn vị trí bám vào ít bị cản trở, như phía sau lỗ phun của cá voi.
Các nhà nghiên cứu ghi hình 27 con cá giác mút ở 61 vị trí khác nhau trên thân cá voi. Họ cho biết phần lớn thời gian, chúng di chuyển giữa 3 địa điểm có lực cản thấp bao gồm phía sau lỗ phun, dọc hoặc sau vây lưng và sườn phía trên vây ngực để kiếm ăn và giao tiếp với nhau.
Ngoài ra, cá giác mút cũng di chuyển bằng cách "lướt sóng" bên trong lớp chất lỏng cực mỏng bao quanh cơ thể cá voi, nơi lực cản giảm tới 72%. Điều này cho phép chúng lượn khắp bề mặt thân cá voi mà không tốn nhiều năng lượng và không cần phải bám hoàn toàn vào vật chủ, ngay cả khi cá voi di chuyển nhanh gấp 7 lần tốc độ của chúng. "Chúng tôi nhận thấy giác mút của cá Remora khỏe đến mức chúng có thể bám vào bất cứ đâu, ngay cả ở chỗ có lực cản mạnh nhất là đuôi", nhà khoa học Erik Anderson, đồng tác giả nghiên cứu cho biết.
An Khang (Theo New Atlas)