Khi kíp mổ hoàn tất đóng thành bụng cho cháu Diệp, các công việc cuối cùng, bước ra khỏi phòng phẫu thuật - thời gian đã là 2 giờ sáng ngày 1/2. "Các giáo sư Nhật Bản đầy kinh nghiệm và những đồng sự Việt Nam thật tuyệt vời. Với phương châm chậm mà chắc, chúng tôi đã hoàn thành ca mổ ngoài cả sự mong đợi" - vị giáo sư 78 tuổi rưng rưng nói. Ông cho biết, chỉ riêng việc tách gan của anh Phòng đã kéo dài 8 tiếng và lấy bỏ gan bệnh cho cháu Diệp là 7 tiếng rưỡi. Điều tuyệt vời là lượng máu phải truyền cho cháu Diệp chỉ khoảng 1 lít, bằng một nửa so với mức tối thiểu dự kiến, trong khi số máu dự trữ cho ca mổ là 23 lít. Còn người bố không cần truyền thêm chút máu nào và hiện sức khoẻ của anh khá ổn định. "Gan tách ra từ bố ghép vào con vừa khớp với nhau và có màu sắc thật hồng hào khoẻ mạnh" - giáo sư Trung nói.
Các công đoạn đóng bụng cuối cùng còn được thực hiện trong vòng 1 tiếng nữa. Sau đó, trong đêm nay, các bác sĩ trong kíp hồi sức sẽ tiếp tục thức trắng để theo dõi thể trạng của cháu bé. Trong vài tiếng đầu, cứ 15 phút một lần họ sẽ kiểm tra mạch, huyết áp, nhịp tim, xét nghiệm máu và rút dịch dạ dày. Cháu bé sẽ được theo dõi sát sao khả năng thích ứng với gan mới trong vòng 3 tháng. Đến thời điểm này, theo giáo sư Trung, cháu Diệp đã vượt qua nguy cơ thải ghép tối cấp (trạng thái từ chối tạng lạ ngay sau khi ghép). Nếu chịu được một tháng nữa là cháu đã vượt qua ngưỡng thải ghép cấp. Sau 3 tháng, có thể yên tâm về sự thích nghi của gan lạ trong cơ thể cháu. Bố cháu có thể xuất viện sau một tháng điều trị phục hồi. Như vậy là sau đúng 12 năm kể từ khi Việt Nam thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên, đến hôm nay, lần đầu tiên một ca ghép gan đã được thực hiện thành công tại nước ta. Các chuyên gia cho biết, ghép gan khó hơn ghép thận rất nhiều. Ghép gan phải cắt bỏ gan hỏng, thay thế bằng gan khoẻ của người hiến trong khi ghép thận thì không cần cắt bỏ hai quả thận hư.
Gia đình của bé Diệp tại Nam Định tất cả đều nở nụ cười hạnh phúc khi ông nội gọi điện từ Hà Nội về báo tin vui. Chị Thoa - mẹ của Diệp nghẹn ngào cho biết, ước mơ lớn nhất của em là sớm khỏi bệnh và lớn lên trở thành một cô giáo dạy giỏi. "Cảm ơn các giáo sư, bác sĩ đã giúp cho những ước mơ của con tôi sớm thành hiện thực. Cháu bị bệnh nhưng vẫn học rất tốt, năm nào cũng được bằng khen". Ngay trong hôm nay, bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM đã đề nghị các chuyên gia Nhật Bản ghép gan cho 2 bệnh nhân, và bác sĩ Makuuchi đã đồng ý mổ cho một người. Diễn biến ca mổ 7h sáng, cháu Nguyễn Thị Diệp và bố là Nguyễn Văn Phòng được đưa từ phòng cách ly sang khu mổ tại Khoa phẫu thuật tạo hình, Học viện Quân y. Hôm trước, bố con cháu Diệp đã ngừng ăn thức ăn thô, được thụt tháo đường tiêu hóa và truyền dịch dinh dưỡng. Riêng cháu Diệp, trước, trong và sau ca mổ được dùng thuốc ức chế miễn dịch để chống đào thải nội tạng. Vì bản thân cháu đã suy yếu nhiều do bị bệnh lâu ngày, cộng với việc dùng thuốc ức chế miễn dịch cũng khiến cho cơ thể cháu không có khả năng chống lại các viêm nhiễm thông thường, do đó, khu mổ phải được đảm bảo vô trùng tuyệt đối. 8h5', người hiến tạng đã được gây mê và chuẩn bị lấy gan. 9h10', cháu Diệp được đưa lên bàn mổ để gây mê. Cháu sợ nên giãy đạp, la khóc, nhưng một bác sĩ đã cúi xuống trấn an cháu. Giáo sư Phạm Tử Dương, chuyên gia tim mạch tại Viện 108, cho biết, quá trình gây mê sẽ kéo dài suốt ca mổ, nhưng không ảnh hưởng gì đến hệ hô hấp và sức khoẻ của cháu bé. Khi ca mổ kết thúc, cháu có thể tỉnh táo lại ngay và mọi chức năng đều không bị ảnh hưởng. Bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Thịnh, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Phẫu thuật Thực hành Học viện quân y, cho biết, ca mổ được chuẩn bị và mong đợi từ rất lâu này là nơi hội tụ những tiến bộ y học và có ý nghĩa to lớn trong việc chuyển giao công nghệ. Trong lúc này, tại quê nhà, huyện Hải Hậu, Nam Định, người mẹ 28 tuổi của cháu Diệp, chị Phạm Thị Thoa, rất hồi hộp. Chị cho biết thông tin mới nhất gia đình nhận được là từ bố chồng, ông Nguyễn Quốc Được. Lúc 7h, ông gọi điện về báo cả hai bố con cháu Diệp đã được lên ôtô đưa vào khu vực cách ly đặc biệt của Bệnh viện Bỏng trung ương. Chị Thoa nói: "Ông cháu lên Hà Nội từ 13h chiều qua để theo dõi ca mổ của con và cháu qua màn hình. Tôi cũng muốn lên xem sao nhưng bác sĩ khuyên về nhà. Hôm mùng 6 Tết, tôi đã lên và được trò chuyện với hai bố con hai ngày. Sau đó bác sĩ Hải bảo cứ yên tâm mà về".
|
Trong phòng mổ.
9h45', bác sĩ mổ chính người Nhật đưa nhát dao đầu tiên vào người bố. Hình ảnh từ phòng mổ chuyển ra màn hình tại hội trường lớn không được rõ nét lắm vì camera cận cảnh được treo trên cây truyền dịch, nên khi các bác sĩ thao tác ống kính bị che khuất.
Lúc này, mỗi phòng mổ có 12-14 bác sĩ. Trong đó có 2-3 bác sĩ mổ chính, còn lại là phụ mổ và quan sát. Các bác sĩ chỉ trao đổi bằng tay và những câu ngắn bằng tiếng Nhật.
10h, nội tạng anh Phòng bộc lộ. Cùng lúc, buồng mổ bên cạnh, các bác sĩ sát trùng vùng bụng cháu Diệp. Bác sĩ Dương Thịnh cho biết một thuỳ gan trái của người bố sẽ được tách để chuyển sang thay thế cho toàn bộ buồng gan bị hỏng của con. Trường hợp của anh Phòng, phần gan này chiếm 1/3 tổng thể gan (450 gam).
Việc tách không phức tạp bằng quá trình ghép, bởi khi tách, các bác sĩ chỉ cần khóa kín mạch máu, tách gan ra và bảo vệ mô gan của cả phần được tách và phần giữ lại. Công đoạn ghép phức tạp hơn bởi phải nối tĩnh mạch, động mạch và đường mật từ phần gan hiến vào cơ thể cháu bé. Tuy nhiên khi cắt bỏ lá gan của cháu Diệp, các bác sĩ cũng hết sức cẩn thận đề phòng đụng chạm vào hệ thống tĩnh mạch chủ dưới và tĩnh mạch trên gan. Tĩnh mạch mềm, yếu, to và dẹt hơn động mạch nên rất dễ bị rách.
10h45', nhìn thấy tổ chức gan ở người bố. Sau khi bộc lộ toàn bộ buồng gan, các bác sĩ sẽ dùng dao Kusa lách vào, vừa tách, vừa hút sạch các tế bào bị tổn thương do mổ. Các mạch máu được bộc lộ, trông giống dạng xơ mướp. Mạch máu nhỏ sẽ được hàn kín bằng dao điện, mạch lớn được thắt lại.
Ở phòng bên, sau vết mổ dài 25 cm, các bác sĩ đã mở được khoang bụng cháu Diệp. Công việc cắt bỏ toàn bộ gan bệnh đang được chuẩn bị nhịp nhàng với việc tách gan ở người bố.
Ở nhà lúc này, chị Thoa mẹ cháu Diệp lo lắng phát khóc. Chị kể với phóng viên VnExpress, hồi cháu mới được 3 tháng tuổi thì các bác sĩ phát hiện cháu bị tắc ống mật bẩm sinh. Bệnh viện huyện Hải Hậu sau khi chẩn đoán đã chuyển thẳng cháu lên Bệnh viện Nhi trung ương. Tại đây, cháu được phẫu thuật nối mật. Từ đó đến 9 tuổi, bé Diệp rất hay ốm vặt. Hồi tháng 9 năm ngoái, cháu bị sốt. Có bác sĩ gần nhà mua thuốc cho uống thì cháu nôn ra ngay, đầy máu. Lúc đó Diệp cũng đi ngoài ra máu đen. Chị Thoa nói: "Cả nhà tưởng cháu chết đến nơi. Đưa ra bệnh viện huyện thì các bác sĩ bảo chuyển ra Hà Nội. Vậy là gia đình vội đưa cháu lên Bệnh viện Nhi một lần nữa".
Bố con cháu Diệp. |
Sau một tháng điều trị ở Bệnh viện Nhi, các bác sĩ quyết định đưa cháu vào danh sách dự kiến ghép gan ở Học viện Quân y. Chị Thoa cho biết, các bác sĩ mặc áo lính rất tận tình chăm sóc hai bố con. Anh Phòng chồng chị được các giáo sư giải thích rất cặn kẽ về khả năng cho, nhận gan. "Ban đầu anh ấy sợ lắm, nhưng giờ đã tự tin rồi. Mất một phần gan, ảnh hưởng đến sức khỏe mà cứu được con thì vẫn phải làm" - chị Thoa tâm sự.
Trước đó, lúc 11h30', một số chuyên gia đang theo dõi qua màn hình đã có ý lo ngại là việc tách gan ở anh Phòng gặp khó khăn. Bởi thông thường việc cắt gan lành của người hiến khá dễ dàng.
Gia đình cháu Diệp đang rất hồi hộp. Từ 7h sáng, ông bà ngoại cùng bà nội, các chú, các dì của cháu đã tụ tập ở nhà chị Thoa chờ tin. Bác Phạm Văn Tự, 48 tuổi, đã làm ông ngoại từ 10 năm nay. Bác cho biết Diệp là con đầu cháu sớm của cả hai bên nội ngoại. Cháu sinh ra đau yếu luôn, ông bà nội ngoại phải chăm bẵm rất nhiều. Bà Tự không nhớ nổi đã bao nhiêu lần phải đưa cháu ngoại đi bệnh viện. Gia đình hai bên đều làm nông nghiệp, không dư dả gì nên mỗi lần cháu ốm chỉ biết giúp công và cho anh chị Phòng ít tiền.
11h50', bắt đầu tách gan bố. Ở phòng mổ bên cạnh, các giáo sư đang ước lượng kích thước phần gan của anh Phòng được tách ra, tiết diện, vị trí các mạch máu chủ. Đây là phần việc quan trọng để hai mặt cắt gan cho và nhận phù hợp với nhau.
13h50',
các bác sĩ đang hoàn thành tiến trình bóc tách gan của người bố. Sau đó, gan sẽ được chuyển sang rửa bằng dung dịch đặc biệt. Đây là khâu quan trọng vì nếu gan không được rửa sạch, máu đông sẽ tắc lại trong các mạch, khi đưa vào cơ thể cháu Diệp có thể dẫn đến tình trạng đào thải. Tại phòng mổ bên cạnh, quá trình cắt gan hỏng của cháu Diệp cũng gặp khó khăn vì gan của cháu bị dính vào phúc mạc, do trước đây cháu đã phải mổ để nối đường mật với ruột. Thông thường sau mỗi lần mổ, màng phúc mạc mỏng của các tổ chức xung quanh vết mổ sẽ tràn đến lấp đầy khoảng trống, dính chặt lấy nhau. Do đó khi bệnh nhân phải mổ lại, việc tách các lớp phúc mạc này khó khăn hơn rất nhiều.
Ông Nguyễn Quốc Được, ông nội cháu Diệp, rơm rớm nước mắt khi trao đổi với phóng viên VnExpress. |
Ông nội cháu Diệp cùng hai cậu của cháu đã có mặt trong phòng truyền hình chuyên môn (gần phòng mổ nhất) từ sáng sớm. Ông nghẹn ngào kể: "Cả gia đình tôi ăn Tết trong tâm trạng vô cùng lo lắng và thương hai bố con phải thui thủi trong viện. Cả nhà luôn thắp hương, cầu khấn tổ tiên phù hộ cho cháu. Chúng tôi rất thương nó vì còn bé quá nhưng cháu rất can đảm.
Cháu Diệp gọi điện cho tôi nói rằng ông gửi cho cháu mấy cuốn truyện để đọc, chứ trong viện buồn lắm. Tại đây, hai bố con cháu được chăm sóc kỹ càng nên chúng tôi cũng chẳng có vai trò gì, nhưng muốn được gần con cháu nên tôi vẫn túc trực".
Gan của người bố đã được tách.
14h30', các bác sĩ cắt những mạch máu cuối cùng nối hai phần gan của người bố, vừa cắt bằng dao Kusa, vừa thắt các mạch máu lớn để chống mất máu. Bên cạnh bàn mổ, nhóm phụ mổ cũng đang chuẩn bị khay để đựng phần gan cắt ra.15h25', các bác sĩ hàn kín vết mổ trên phần gan còn lại của người bố. Tuy nhiên, đến lúc này vẫn chưa tách hết được phần gan hỏng của cháu Diệp. Các giáo sư làm việc rất bình tĩnh, một phần do đã quen với kỹ thuật này, phần khác do phương pháp cắt gan không gây mất nhiều máu cho bệnh nhân.
16h28', các bác sĩ đã cắt bỏ được phần gan hỏng của cháu Diệp. Thùy gan trái của người bố đang được rửa sạch, sau đó đưa sang phòng mổ của cháu bé.
17h30', sau khi đưa gan ra khỏi ổ bụng cháu bé, các bác sĩ tiến hành làm sạch ổ bụng và dùng các ống xông để định vị những động mạch và tĩnh mạch lớn. Các mạch này sẽ được nối với hệ thống mạch tương ứng trong phần gan của người bố... Đây là khâu khó, quan trọng và mất nhiều thời gian nhất trong toàn bộ quá trình ghép gan.
Đường ống mật vốn có chức năng cung cấp dịch mật, hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Tuy nhiên, ống mật của cháu Diệp bị teo, không thực hiện được chức năng này. Khi phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt toàn bộ gan hỏng của cháu đến tận sát cuống mật, thông sạch cuống và nối phần gan có chứa ống mật của bố cháu vào. Theo đánh giá của các bác sĩ, gan của anh Phòng có chức năng tiết dịch mật rất tốt.
Ở phòng bên, các bác sĩ tiến hành đóng ổ bụng của người bố
19h20', anh Phòng đã được giải mê, mở mắt, cử động đầu và bắt đầu chuyển sang giấc ngủ sâu do tác dụng phụ của thuốc gây mê. Ở phòng bên, cháu Diệp đã được khâu xong đường mật, tiếp tục khâu đến động mạch.
19h50', anh Phòng được chuyển từ phòng mổ sang phòng hồi sức. Mạch máu lớn của cháu Diệp đã được nối hoàn tất và các bác sĩ bắt đầu sử dụng kính hiển vi để hỗ trợ việc khâu tiếp những mạch máu nhỏ. Đây là công đoạn vô cùng khó khăn, đòi hỏi tập trung cao độ. Ông Vũ Đức Mối, Phó giám đốc Học viện Quân y, cho biết, khi ghép gan các bác sĩ có thể nối các mạch máu có kích cỡ từ 1 mm trở lên.Không khí trong phòng mổ rất yên lặng. Tại hội trường A, ông nội cháu Diệp không ngừng đi lại vì quá lo lắng. Các chuyên gia dự báo ca mổ có thể kéo dài đến 22h đêm nay.
22h15', giáo sư Lê Thế Trung rời phòng mổ, xúc động thông báo ca ghép gan đạt kết quả ngoài mong đợi. Các công đoạn đóng bụng cuối cùng còn được thực hiện trong vòng 1 tiếng nữa.
Buổi tối trước ca mổ, mọi trang bị cần thiết cho phòng mổ và hệ thống truyền hình y học phục vụ ca ghép gan đầu tiên đã sẵn sàng. Hai camera trong mỗi phòng mổ sẽ thu thập những hình ảnh từ nhiều góc độ, gửi đến phòng điều hành để xử lý và từ đây được truyền ra ngoài theo đường cáp quang. Hai phòng truyền hình trực tiếp (1 cho các bác sĩ chuyên môn và 1 cho giới báo chí) cũng đã được kiểm tra lần cuối, đảm bảo hoạt động thông suốt. Theo giáo sư Lê Thế Trung, Chủ tịch Hội Ghép gan Học viện Quân y, các thiết bị phục vụ ca phẫu thuật được đánh giá là hiện đại nhất hiện nay, thường được sử dụng trong các ca ghép gan tương tự tại Nhật Bản.
Sau ca mổ, một trong các chuyên gia Nhật Bản sẽ ở lại Việt Nam khoảng 1 tuần để theo dõi diễn biến bệnh nhân, liên lạc về nước trong những tình huống cần thiết. Nếu sau 1-2 tuần, bệnh nhân không biến chứng, gan không bị đào thải thì ca mổ có thể được xem là thành công.
Để có ca mổ này, tập thể y bác sĩ Học viện Quân y đã phải chuẩn bị trong 5 năm trời. Nhiều chuyên gia đã được cử đi nước ngoài học ghép gan, miễn dịch, huyết học... Về nước, đều đặn sáng thứ tư hàng tuần, họ lại tập ghép gan trên động vật. Đến nay, Học viện đã sẵn sàng cho việc tiếp nhận công nghệ ghép gan tiên tiến trên người.
Ghép gan là một trong những loại phẫu thuật phức tạp nhất. Trên thế giới mới có khoảng 4.000 người được thực hiện kỹ thuật này, trong đó có 2.000 người ở Nhật. Một phần cũng là do Nhật Bản đã có luật hiến tạng, tạo điều kiện thuận lợi cho các bác sĩ lấy nội tạng của những người tử vong. Đến nay, Viện Đại học Tokyo đã thực hiện được gần 300 ca ghép gan, với tỷ lệ thành công trung bình trên 90%. Tỷ lệ người sống trên 1 năm sau phẫu thuật là 95-96%. Trung bình mỗi tuần Viện thực hiện ghép một lần.
Giáo sư Masatoshi Makuuchi kiểm tra lần cuối các thiết bị trong phòng mổ. |
Trong ca mổ đầu tiên ở Việt Nam này, 5 chuyên gia của Viện Đại học Tokyo, Nhật Bản sẽ trực tiếp cầm dao. Phụ trách mổ chính là giáo sư Masatoshi Makuuchi, sẽ tham gia tất cả những khâu quan trọng nhất, trong đó có công đoạn lấy - ghép gan. Giáo sư Masatoshi Makuuchi là chủ nhiệm bộ môn ghép gan và các tạng nhân tạo của Viện đại học Tokyo, đã tham gia gần 300 ca ghép gan.
Ngọc Hà - Bích Hạnh
Ảnh: Anh Tuấn