Cá đuối quỷ có tên khoa học là Mobula mobular, không chỉ là loài lớn nhất trong họ với chiều dài 6,5 mét mà những chiếc vây chĩa xuống dưới ở phần đầu của chúng cũng có hình dáng dễ gợi liên tưởng đến ác quỷ, theo IFL Science. Tuy nhiên, phần lớn vòng đời của chúng vẫn là điều bí ẩn. Nghiên cứu mới đăng hôm 7/1 trên tạp chí Động vật học New Zealand mô tả quan sát đầu tiên về hành vi tán tỉnh bạn tình của cá đuối quỷ kèm theo video ghi hình một con cái mang thai tìm cách xua đuổi 4 con đực.
Hai tác giả của nghiên cứu là Scott Tindale, một ngư dân đến từ Albany và Clinton Duffy, kỹ thuật viên hải dương ở Bộ bảo tồn New Zealand, ghi lại cảnh tượng chưa bao giờ gặp trước đây về cá đuối quỷ vào tháng 3/2017 ở ngoài khơi đảo Aotearoa phía tây nam Thái Bình Dương. Sự xuất hiện của con cá đuối cái mang thai giúp xác nhận loài M. mobular sinh sản ở khu vực này.
Cá đuối quỷ nằm trong danh sách loài nguy cấp, theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Các quần thể cá đuối quỷ giảm mạnh trong những thập kỷ gần đây, không chỉ do chúng có tỷ lệ sinh sản thấp, chỉ đẻ một con non mỗi lần thụ thai, mà còn do áp lực từ hoạt động đánh bắt. Các nhà nghiên cứu càng hiểu rõ về vòng đời của chúng, công tác bảo tồn càng thuận lợi hơn.
Cuộc giằng co giữa cá đuối cái mang thai và 4 con đực kéo dài 147 phút. Đây là màn săn đuổi không được chào đón bởi con cái dành toàn bộ thời gian lẩn trốn, cố ý bơi gần mặt nước để ngăn bất kỳ con đực nào nằm lên mình nó.
Các tác giả nghiên cứu nhấn mạnh họ không phát hiện cá đuối đực cắn con cái, có thể do con cái trốn lên gần mặt nước. Họ cũng không thấy những vết sẹo do giao phối. Trong một số trường hợp từng được quan sát khác, con đực dường như tìm cách cắn vào vây đầu của con cái.
Những con cá đuối đực cạnh tranh giành bạn tình cũng không tỏ ra hung dữ với nhau. Bất cứ lúc nào cá đuối cái dừng ở mặt nước, con đực dẫn đầu sẽ thúc vào bụng và lỗ huyệt của nó. Hành vi giao phối của cá đuối quỷ rất giống cá đuối vịnh (Mylobatis californica). Hai loài này đều thuộc cùng một họ.
Phương Hoa