Cô mất xe, mất nhà, mất việc, kinh khủng hơn là mất gia đình, chồng con, mất hết danh dự … chỉ vì cá độ bóng đá.
Đến bây giờ tôi và bạn bè cùng lứa vẫn không hiểu sao một phụ nữ dịu dàng và đoan trang, sự nghiệp đang trên đà thăng tiến như vậy lại có thể bẻ ngoặt tay lái của cỗ xe cuộc đời và lao thẳng xuống vực như vậy? Chúng tôi: gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí cả chồng cô ấy chưa từng lóe lên trong đầu cái suy nghĩ người phụ nữ ấy lại có thể có ham mê cá độ, dù ai cũng biết cô ấy mê bóng đá, có thể thức thâu đêm đón một trận C1 trái giờ, dù sáng mai đi công tác sớm. Ai cũng biết cô ấy từng buồn đến mất ngủ khi Nam Tư bị tước quyền dự chung kết Euro vì nội chiến. Và chồng cô ấy luôn mỉm cười độ lượng khi biết từ lâu, vợ đã âm thầm giấu một tấm ảnh Maldini tóc dài như cỗ bờm với nụ cười thiên thần trong tấm áo sọc của AC Milan đằng sau ảnh con trai trong ví của mình
Vì cô ấy giấu kín. Chẳng ai biết bạn tôi bắt đầu cá độ từ bao giờ, cũng như rất nhiều người trong chúng ta, chẳng ai hiểu nổi tại sao mỗi mùa C1, Euro và nhất là sau những đêm dài phấn khích và phờ phạc cùng World Cup, ngày hôm sau, có biết bao xe máy, điện thoại, Ipad… theo chân những tay cá độ khát nước ra những tiệm cầm đồ lừng lẫy ở Đặng Dung, Khâm Thiên… và hàng nghìn những hang ổ vô danh khác trong những con ngõ hun hút khắp chợ cùng quê? Và hết mỗi mùa bóng, có bao nhiêu sổ đỏ bị cầm cố, bao nhiêu biệt thự, nhà phố, căn hộ đột ngột được rao bán, bao nhiêu tổ ấm tan nát, bao nhiêu người tự tử trốn nợ, bao nhiêu rao vặt tìm người thân mất tích? Những bi kịch trông thấy nhỡn tiền, được phủ lên một tấm áo choàng đen tội lỗi: cá độ.
Tôi không đủ kiến thức về kinh tế và pháp luật để nói về tác hại và các công cụ pháp lý để trừng phạt nạn cá độ. Tôi cũng không muốn kể thêm những nỗi bất hạnh cụ thể và gánh nặng xã hội do nó gây ra. Nhưng tôi vẫn muốn nêu ra những băn khoăn cụ thể của một công dân từng đam mê bóng đá trước những hệ lụy của niềm đam mê có vẻ như không thể chế ngự và định hướng này.
Tại sao những người thực sự yêu thể thao, yêu bóng đá, xỏ giày ra sân chơi một môn thể thao nào đó mỗi ngày (giàu chơi golf, ít điều kiện chơi cầu lông, bóng bàn, chạy bộ…) lại hầu như không bị “chết” vì cá cược. Cá độ nếu có với họ chỉ là một chầu nhậu để cùng xem bóng đá cho thêm kịch tính, hoặc một thú vui thư giãn, thử khả năng phân tích và phán đoán. Còn những người “ra đê mà ở” sau mùa bóng thường hầu như không biết chơi môn thể thao nào, dồn hết cay cú ăn thua vào kết quả của một trận cầu xa lơ xa lắc, đánh cược đời mình vào may rủi của 22 đôi chân xa lạ trên sân cỏ cách Việt Nam đến hàng chục nghìn km?
Tại sao ở rất nhiều nước phát triển, cá độ được thừa nhận như một nghề trong xã hội, nhà cái là một doanh nghiệp lớn thì tình trạng tán gia bại sản vì cá độ lại hiếm hoi hơn rất nhiều so với ở nước ta?
Tại sao chúng ta biết mười mươi là tình trạng cá độ đang diễn ra từng ngày, từng giờ, không cần đến World Cup hay Euro hay V-League, chỉ cần một trận bóng hạng 2 ở một nước châu Âu xa xôi nào đó cũng đủ các yếu tố cần và đủ cho dân cá cược hàng nghề, và hàng trăm tỷ có thể đội nón chui vào các tài khoản xa lạ ở nước ngoài, mà vẫn bình thản nói về cá độ như chuyện của người khác, nước khác, như trong phim xã hội đen Hong Kong hay Mỹ? Và chỉ thực sự đau đớn xót xa khi cái hậu quả khủng khiếp ấy đổ ập xuống người thân, gia đình mình?
Tại sao luật pháp không cho phép cá độ công khai vẫn nghiêm cấm mọi hình thức cờ bạc và chế tài rất nặng tay, nhưng trên trang nhất tất cả các tờ báo thể thao vẫn in rất nổi bật tỷ lệ cá cược mỗi trận, cụ thể từ Âu sang Á?
Tôi không bào chữa cho lỗi lầm của bạn mình. Cá độ hiện tại vẫn là phạm pháp. Và trên hết, cô ấy có tội với gia đình, với con cái và với chính bản thân. Nhưng nhiều lúc, sau mỗi đêm nghe hàng xóm reo hò theo vũ điệu trái bóng, sáng ra đi một vòng qua phố phường ngái ngủ, nhìn những con bạc khát nước trước cửa tiệm cầm đồ tôi vẫn nghĩ: lẽ ra, đã có thể “quản trị” được những đam mê quá đà ấy, nếu như những chính sách mang tầm chiến lược của quốc gia nhìn nhận khác đi và thừa nhận “định mức khuây khỏa” trong mỗi con người. Và rất có thể người bạn bất hạnh của tôi đã dừng niềm đam mê bóng đá của mình chỉ ở mức vài chai bia với dăm món nhậu ngon lành mà cô ấy tự làm rất tuyệt vời, bên chồng con và những người bạn, cùng hò hét đến lạc giọng cho một trận cầu hay. Dừng nỗi đam mê, định mức khuây khỏa bên lằn ranh của sự tha hóa và sa đọa, thật không dễ dàng gì. Sức mạnh bên trong của mỗi con người hình như không đủ, cần năng lực quản trị của cả một xã hội.
Thu Hà