Dịp 11 quyển của bộ Tiếng Việt giàu đẹp ra mắt bạn đọc, năm tác giả có buổi nói chuyện ở Đường sách TP HCM, sáng 21/9. Họ là những tên tuổi trong lĩnh vực ngôn ngữ, giảng dạy và sáng tác, gồm tác giả Nguyễn Đức Dân, bà Trần Thị Ngọc Lang, tác giả Trịnh Sâm, nhà báo Dương Thành Truyền và nhà báo Lê Minh Quốc.
Theo ông Lê Minh Quốc - tác giả cuốn Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm, bản sắc văn hóa dân tộc còn nằm ở ca dao, tục ngữ, lời ăn tiếng nói. Qua hàng trăm năm đất nước chống giặc ngoại xâm, kho tàng ngôn ngữ không biến mất mà ngày càng phát triển.
Tiếng Việt thay đổi theo năm tháng, giao thoa nhiều ngôn ngữ, nền văn hóa. Người Việt có thành ngữ "Nhập gia tùy tục", ngụ ý khi vào một gia đình, hoặc nơi nào đó phải tuân theo, hòa nhập với lối sống, tập quán. Ngôn ngữ nước khác du nhập vào sẽ chịu tác động của tiếng Việt, đồng thời, chịu sự chi phối theo cách sử dụng của mọi người.
Cùng một sự vật, sự việc, nhưng trong tiếng Việt có nhiều cách diễn đạt, tùy theo ngữ cảnh cụ thể. Vì vậy, cách nói về một vấn đề nào đó không "đóng khung" trong mỗi một từ cố định mà có sự thay đổi phù hợp tùy đối tượng trong giao tiếp, thái độ, tâm trạng người sử dụng.
Trong quá trình biến đổi, tác giả Lê Minh Quốc ví tiếng Việt như con thuyền đang ra khơi, có lúc bình yên, bão táp, nhưng không bao giờ chệch hướng, bởi đã có "kim chỉ nam" - là các ca dao, tục ngữ, thành ngữ. "Bất kỳ ngôn ngữ nào khi được người Việt tiếp nhận đều biến đổi cho phù hợp. Ca dao, tục ngữ là chìa khóa để lưu truyền ngôn ngữ, tồn tại qua năm tháng. Đó là 'vũ khí' dựng nước, giữ nước của ông bà mình", tác giả nói.
Đồng quan điểm với Lê Minh Quốc, tác giả Nguyễn Đức Dân cho rằng ngôn ngữ nước ta có nhiều triết lý, ẩn trong những câu nói thế hệ xưa truyền lại. Văn nói hay văn viết đều có tôn ti, trước sau, tác động bởi quan hệ nhân quả. Nhiều từ ghép đẳng lập phản ánh quan hệ này, được hình thành từ những lý lẽ, quan niệm sống. Trong đó, tiếng chỉ nguyên nhân đứng trước tiếng chỉ kết quả, như nghèo hèn (vì nghèo nên hèn, đã nghèo thì hèn), giàu sang (có giàu mới sang), đổ vỡ (vì đổ nên vỡ).
Ngoài ra, các tác giả thảo luận sự phong phú ngôn từ, biểu hiện qua cách chơi chữ. Theo bà Trần Thị Ngọc Lang - tác giả cuốn Tiếng Việt phương Nam, tiếng Việt là ngôn ngữ đơn lập nên các âm tiết trùng với hình vị và từ, đều có nghĩa. Dựa trên đặc điểm này, nhiều người hay sử dụng phép điệp và phép đối trong lời ăn tiếng nói hàng ngày. Thành ngữ, tục ngữ và quán ngữ dùng nhiều phép điệp vần, như "Ăn có nơi, chơi có chỗ", "Ăn bát cơm dẻo, nhớ nẻo đường đi", "Có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con biết trèo".
Bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp do Nhà xuất bản Trẻ phát hành đầu những năm 2000, góp phần lý giải nhiều điều thú vị về ngôn ngữ ở các vùng miền. Các tác phẩm đưa ra nhiều ví dụ từ nhiều nguồn như ca dao tục ngữ, phương ngữ vùng miền, tác phẩm văn chương, báo chí, lời bài hát, ngôn ngữ đời thường, ngôn ngữ mạng xã hội.
Trong những năm qua, bộ sách được sự đón nhận của bạn đọc, tái bản nhiều tác phẩm, trong đó cuốn Từ câu sai đến câu hay của tác giả Nguyễn Đức Dân in lần thứ chín. Trong năm nay, nhà xuất bản bổ sung cuốn Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm của tác giả Lê Minh Quốc và Tình ca tiếng nước ta của Dương Thành Truyền.
Quế Chi