Những năm cuối của thập niên 1990 - thời kỳ rực rỡ của Làn Sóng Xanh, Ca dao em và tôi cùng Quang Linh nổi lên như một hiện tượng hiếm thấy. Hiếm là bởi vì giữa các bài hát trẻ trung, sôi động, giai điệu mang âm hưởng dân ca cùng những lời hát trữ tình vẫn được khán giả yêu mến không thua kém. Ca dao em và tôi khi đó như một minh chứng cho thấy giới trẻ không quay lưng với dân ca, với những làn hò điệu lý đặc trưng của dân tộc.
Nhiều thế hệ người yêu nhạc Việt Nam hẳn mãi nhớ đến tiếng hát ngọt ngào, dìu dặt của Quang Linh: “Cắt nửa vầng trăng, cắt nửa vầng trăng tôi làm con đò nhỏ…”. Đoạn mở đầu êm ái ấy dẫn dắt người nghe thả hồn một cách tự nhiên vào giai điệu như một khúc hát ru cùng những ca từ huyền hoặc, phiêu linh về một mối tình cách trở. Ca dao em và tôi có thể coi là một “di sản tinh thần” đặc biệt của nhạc Việt.
Nhạc sĩ An Thuyên mất tới 10 năm để hoàn thành bài hát. Câu chuyện về vầng trăng cắt nửa, câu thơ bẻ đôi lại chính là ca khúc gửi gắm nhiều tâm trạng day dứt nhất trong cuộc đời và sự nghiệp cống hiến cho âm nhạc của ông.
Ca dao em và tôi lấy ý tưởng từ vở nhạc kịch chưa từng được công bố về chàng Trương Chi mà nhạc sĩ An Thuyên được giao viết vào năm 1980. Nỗi khát khao, tuyệt vọng: “Đưa tôi về, với người tôi yêu” được nhạc sĩ chấp bút từ chính bi kịch bị nàng Mỵ Nương từ chối tình yêu của chàng Trương Chi trong truyền thuyết dân gian. Quá bi phẫn vì tình yêu không được đền đáp, chàng Trương Chi quay về bến sông, định trẫm mình xuống sông quyên sinh, nhờ trời nước, trăng sao chứng giám. Bi kịch tình yêu kết thúc ở đó nhưng nỗi đau đớn, xót xa của chàng Trương Chi vẫn mãi ám ảnh cùng bài hát của An Thuyên. Mãi sau này, nhạc sĩ không ngần ngại chia sẻ: “Đã có lúc tôi thấy mình giống chàng Trương Chi, cũng một đời đi tìm Mỵ Nương, đi tìm tình yêu”.
Nhiều người cho rằng đây cũng là ca khúc thể hiện rõ nét nhất tinh thần âm nhạc của An Thuyên - sự kết hợp giữa chất dân ca và sự đổi mới, cách tân trong âm nhạc hiện đại.
Bài hát chứa đựng giai điệu trữ tình, dễ thuộc, dễ nhớ cùng những hình ảnh gợi nhắc làng quê Việt Nam thanh bình, cổ xưa:
“…Cùng em khoác chiếc áo tơi ra đồng
Dù trời đổ nắng chang chang vẫn tỏa
Để nghĩa tình đừng nhạt đừng phai
Thương nhau rồi đừng cởi áo cho ai…”
Nhưng đến đoạn điệp khúc, phần cao trào khiến bài hát mang âm hưởng hiện đại. Cảm xúc vì thế cũng dâng trào hơn. Ngay cả cái cách ông “cắt nửa vầng trăng”, "chặt đôi câu thơ" cũng mang nét táo bạo, ngông cuồng hơn "chia vầng trăng làm hai nửa, nửa in gối chiếc, nửa soi dặm đường" của đại thi hào Nguyễn Du ngày nào. So sánh một cách thú vị có thể coi như Nguyễn Du và dân gian xưa vẫn còn chút gì đó dè dặt, ngại ngùng trong tình yêu. Nhưng chàng trai trong Ca dao em và tôi mãnh liệt, quyết đoán hơn hẳn.
Nhân vật "Anh" không còn đứng nhìn vầng trăng chia đôi trong buổi phân ly mà chủ động “cắt”, chủ động “chặt” như một hành động phản ứng lại hoàn cảnh. Nhờ thế mà người nghe thấy tình cảm ấy gần gũi và rất đời - vừa rực rỡ vừa khát khao.
Sinh ra và lớn lên trong cái nôi của những câu hò, điệu ví dân gian nhưng tác giả của Ca dao em và tôi không chỉ xuôi dòng tìm về vốn văn hóa cổ xưa, những giá trị truyền thống. “Cái khó là để làm sao trong từng sáng tác của mình, công chúng nghe thì quen nhưng ngẫm lại thấy lạ”, nhạc sĩ An Thuyên từng nói. Cuối cùng, ông đã làm được điều đó trong khúc ca dao để đời của mình.
Trong Ca dao em và tôi hay Neo đậu bến quê, Huế thương và rất nhiều ca khúc về sau, người nghe vẫn bắt gặp nhạc sĩ An Thuyên trên hành trình của một cuộc tìm kiếm. Đó có thể là cuộc tìm kiếm một nàng thơ trong tâm hồn nghệ sĩ, một nàng Mỵ Nương không tưởng của chàng Trương Chi hay có thể là một con đường nghệ thuật. Chỉ biết rằng ngay cả khi người nhạc sĩ ấy nằm xuống, những sáng tác của ông vẫn sẽ sống mãi trong trái tim người yêu nhạc, cũng như sẽ tiếp tục hành trình của nó với thời gian.
Anh Mai