"Hiện lưu hành chủ yếu chủng cúm A (H3N2, H1N1) và cúm B, là những chủng đã có vaccine dự phòng. Đến nay, hệ thống giám sát chưa phát hiện chủng cúm A có độc lực cao như H5N1, H7N9, H5N6, H5N8", bà Hương nói tại hội nghị trực tuyến tăng cường phòng chống dịch bệnh, chiều 21/7.
Bà Hương yêu cầu các địa phương giám sát phát hiện những ổ cúm mùa, viêm phổi nặng do virus, chùm ca bệnh tại cộng đồng. Các cơ sở khám chữa bệnh lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, thực hiện phân tuyến điều trị, phân luồng sàng lọc khám chữa bệnh.
Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay địa phương đã ghi nhận hơn 2.000 ca mắc cúm A, đặc biệt tháng 6 tăng lên gần 900 ca. Nhiều bệnh viện tuyến cuối ghi nhận số bệnh nhân đến khám, điều trị tăng.
Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm, Cục phó Y tế dự phòng, nhận định một năm ghi nhận 600.000 đến một triệu ca cúm A "không phải tăng đột biến". Tại Quảng Ninh, 6 tháng đầu năm số ca mắc cúm A thấp hơn năm ngoái. Tình hình số ca tại Hà Nội "chưa nằm ngoài kiểm soát của ngành y tế".
Đánh giá nguyên nhân, theo ông Tâm, hai năm vừa qua, dịch Covid-19 khiến người dân mang khẩu trang nhiều, thực hiện giãn cách, tuân thủ phòng chống dịch như thường xuyên rửa tay sát khuẩn nên số ca cúm A ít. Sau khi Covid được kiểm soát, người dân chủ quan hơn trong phòng chống dịch, ví dụ không đeo khẩu trang khi xuất hiện nơi công cộng. Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết thay đổi thất thường cũng khiến bệnh phát triển, số ca tăng nhanh ngay trong mùa hè.
Năm nay, Việt Nam chưa ghi nhận tình trạng tử vong do cúm A, bệnh nhân phần lớn đều có triệu chứng nhẹ. Năm 2019, cả nước ghi nhận gần 409.000 người mắc cúm trong đó có 10 trường hợp tử vong.
Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Có 4 chủng virus cúm mùa gồm: A, B, C và D, trong đó cúm A và B là hai chủng virus chính ở người có thể gây ra các đợt dịch. Các chuyên gia nhận định cúm A thường rất ít xuất hiện trong mùa nóng do virus cúm không phát triển và gây bệnh trong thời tiết khô nóng, mà thường sinh sôi mạnh vào mùa đông xuân khi tiết trời lạnh, nồm ẩm. Riêng năm nay, thời tiết biến đổi bất thường, đến tháng 5 vẫn còn các đợt không khí lạnh, có thể là lý do khiến virus cúm A sinh sôi.
Triệu chứng ban đầu của bệnh tương tự các bệnh cúm mùa nói chung. Điểm khác là trẻ thường sốt cao 39-40 độ C, đỏ mắt, họng bị sung huyết. Trẻ mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc, khi bệnh nặng có cảm giác khó thở, viêm phổi, viêm tiểu phế quản...
Người dân thường xuyên vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; rửa tay với xà phòng bằng nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối. Ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
Tiêm vaccine phòng cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Người lớn, trẻ lớn cần tiêm vaccine cúm nhắc lại hàng năm để duy trì khả năng bảo vệ trước sự biến đổi bất thường của các chủng cúm. Người dân không nên tự ý mua thuốc, tích trữ và sử dụng thuốc kháng virus. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Lê Phương