Ngày 28/8, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết thời gian gần đây số ca Covid-19 tại thành phố có xu hướng tăng. Số ca mắc mới trung bình mỗi ngày trong tuần qua là 164, trong khi tuần trước đó chỉ 127.
Tương ứng số ca mắc mới tăng, số ca nhập viện và nặng cũng có xu hướng tăng, với trung bình 64 ca nặng mỗi ngày (tháng trước dao động vài ca đến khoảng 30 trường hợp). Hơn 250 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, trong đó khoảng 80 ca nặng cần hỗ trợ hô hấp. Hầu hết bệnh nhân thở máy đều nằm trong nhóm nguy cơ cao, lớn tuổi, bệnh nền, chưa tiêm đủ vaccine.
Vài tuần gần đây, chủng BA.5 xuất hiện và bắt đầu tăng nhanh dần, sau đó chiếm tỷ lệ vượt trội tại thành phố. "Biến chủng này được đánh giá có tốc độ lây lan nhanh hơn so với các biến chủng trước, dẫn đến khả năng xuất hiện một làn sóng dịch bệnh Covid-19 mới", bác sĩ Châu nhận định.
Trong bối cảnh số ca mắc và ca nặng tăng, TP HCM nỗ lực đẩy mạnh tiêm vaccine phòng Covid-19, đặc biệt là ở trẻ em. Đầu tháng 8, thành phố phát động tháng cao điểm tiêm vaccine ở trẻ, số lượt tiêm tăng cao so với trước đó nhưng vẫn còn thấp hơn tỷ lệ trung bình của cả nước. Tuần qua, số lượt tiêm nhiều nơi giảm mạnh. Một số phụ huynh còn tâm lý e ngại tác dụng phụ, chưa thấy sự cần thiết của việc tiêm vaccine trong phòng bệnh Covid-19 cho trẻ.
Từ ngày 23/8, ngành y tế tổ chức mô hình xe tiêm lưu động để tiêm vaccine cho học sinh tại các trường học, với những trường không bố trí điểm tiêm cố định, số lượng ít. Trước đó, thành phố liên tục tăng điểm tiêm tại nơi trẻ đang theo học, tại các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế...
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng khuyến cáo mọi người tiêm vaccine để có miễn dịch phòng bệnh, gồm hai mũi cơ bản đối với vaccine AstraZeneca, Pfizer, Moderna và các mũi bổ sung, nhắc lại tùy nhóm đối tượng. Cụ thể, một mũi bổ sung và hai mũi nhắc lại với người người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người có nguy cơ cao phơi nhiễm Covid. Một mũi nhắc lại (mũi 3) với người khỏe mạnh.
Lãnh đạo ngành y tế nhận định dịch chồng dịch vẫn là nguy cơ đe dọa, bởi số ca mắc sốt xuất huyết mới có xu hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Tình trạng này gây quá tải cả hệ thống y tế nếu các địa phương không quyết liệt triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch.
Để chủ động ứng phó khi tình hình dịch bệnh có diễn tiến theo chiều hướng xấu, từ giữa tháng 8, TP HCM lên kế hoạch kích hoạt lại Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 13 khi cần. Trong đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM chuẩn bị nguồn nhân lực để kích hoạt bệnh viện dã chiến này, đồng thời xây dựng các tình huống tương ứng với các kịch bản về số ca nặng cần thu dung, điều trị.
Sở Y tế yêu cầu tất cả bệnh viện, trung tâm y tế và các cơ sở khám chữa bệnh rà soát nguồn nhân sự, trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân... Các cơ sở tăng cường sàng lọc, phân luồng, kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 để cách ly điều trị và chăm sóc, hạn chế lây lan. Bệnh viện củng cố khoa, đơn vị điều trị Covd-19 để sẵn sàng hoạt động khi có ca bệnh, tập huấn lại các biện pháp phòng chống lây nhiễm trong môi trường bệnh viện, hướng dẫn điều trị cho nhân viên y tế.
Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM tăng giám sát ca bệnh, lưu ý biến động số liệu ca mắc mới, kịp thời dự báo tình hình dịch.
Ngày 27/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận toàn cầu chạm "cột mốc bi thảm", ghi nhận một triệu người chết do Covid-19 từ đầu năm 2022 đến nay, trong bối cảnh biến chủng Omicron lây lan nhanh chiếm ưu thế, tỷ lệ bao phủ vaccine nhiều nơi thấp. WHO thúc đẩy các quốc gia hành động nhanh chóng, áp dụng biện pháp ngăn chặn tương xứng với tốc độ lây truyền của Covid-19, tiếp tục xét nghiệm và phân tích mẫu bệnh phẩm dương tính, triển khai thuốc men và tăng cường tiêm chủng.
Lê Phương