Thế giới ghi nhận 113.944.382 ca nhiễm nCoV, trong đó 2.527.638 người đã chết, tăng lần lượt 438.581 và 10.048 ca, trong khi 89.503.228 người bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Trung bình số ca mới hàng ngày trên toàn cầu tăng 6% trong tuần qua lên 384.200. Trước đó, ca mới đã giảm kỷ lục 51% từ giữa tháng một đến giữa tháng hai, theo AFP. Ca mới hiện ở mức tương tự hồi giữa tháng 10/2020.
Châu Phi là châu lục duy nhất ghi nhận sự suy giảm, với số ca mắc mới giảm 14%. Tất cả khu vực khác đều tăng: 10% ở châu Âu, 8% ở châu Á, Mỹ Latinh và vùng Caribe, 5% ở Trung Đông, 1% ở Mỹ và Canada. Ở châu Đại Dương, ca mới tăng hơn gấp ba lần, nhưng chỉ ở mức 47 ca mỗi ngày.
Estonia là nước ghi nhận mức gia tăng lớn nhất 82% trong số những nước báo cáo hơn 1.000 ca một ngày. Hungary theo sau với mức tăng 69% (2.900 ca); Jordan 59% (3.400 ca), Serbia 59% (3.000 ca) và Ecuador 48% (1.600 ca).
Tuần thứ ba liên tiếp Bồ Đào Nha là nước ghi nhận mức giảm lớn nhất, với 38%. Trong vài tuần đầu năm, Bồ Đào Nha báo cáo ca nhiễm trên đầu người cao nhất thế giới, nhưng con số này đã giảm đáng kể trong 4 tuần gần đây nhờ phong tỏa bắt đầu vào ngày 15/1. Theo sau Bồ Đào Nha là Tây Ban Nha với mức giảm 27%, tiếp đến là Nam Phi (25%), Israel (22%) và Nhật Bản (22%).
Nhật Bản ngày 26/2 thông báo họ sẽ chấm dứt sớm tình trạng khẩn cấp ở một số khu vực vì tốc độ lây nhiễm chậm lại. Biện pháp này hiện có hiệu lực ở 10 khu vực, yêu cầu quán bar và nhà hàng đóng cửa từ 20h. Theo kế hoạch, tình trạng này sẽ kết thúc vào ngày 7/3, nhưng chính phủ dự kiến dỡ bỏ biện pháp tại khoảng 6 tỉnh từ 28/2, vùng thủ đô Tokyo không nằm trong số này.
Mỹ vẫn là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong tuần qua với trung bình 73.700 ca mới một ngày, tăng 1%. Tiếp theo là Brazil với 51.400 ca, tăng 14%, Pháp (21.500 ca, tăng 16%) và Italy (14.700 ca, tăng 26%).
Tính theo bình quân đầu người, Cộng hòa Séc là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm cao nhất, với 700 ca trên 100.000 người.
Mỹ cũng ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong tuần qua, với trung bình 2.156 người một ngày, xếp sau là Brazil (1.149 người), Mexico (798 người), Nga (421 người) và Anh (383 người).
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hôm 25/2 phê duyệt vaccine Covid-19 của Pfizer có thể được bảo quản ở nhiệt độ thường trong tủ đông dược phẩm hai tuần, nới lỏng yêu cầu trước đó rằng vaccine phải được bảo quản ở nhiệt độ cực thấp, từ -80 đến -60 độ C. Tủ đông dược phẩm thường hoạt động ở khoảng -20 độ C. Động thái này sẽ giúp giảm gánh nặng hậu cần khi triển khai tiêm chủng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 23/2 gợi ý rằng Nhà Trắng sẽ gửi trực tiếp khẩu trang tới người dân trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp. Đây là phương án từng được các quan chức y tế đề xuất dưới chính quyền Donald Trump nhưng bị cựu tổng thống chặn.
Hội đồng chuyên gia độc lập Mỹ do FDA tổ chức nhóm họp hôm 26/2 đã bỏ phiếu ủng hộ phê duyệt khẩn cấp vaccine một liều của Johnson & Johnson. FDA nhiều khả năng cấp phép ngày 27/2 và bắt đầu phân phối trong vài ngày.
Các thành phố và bang của Brazil đang tự đề ra một loạt hạn chế mới trong nỗ lực ngăn chặn ca nhiễm gia tăng. Bang Sao Paulo, dân số 40 triệu người, tuần này yêu cầu các quán bar và nhà hàng đóng cửa lúc 20h. Một số thành phố cũng áp dụng lệnh giới nghiêm. Bang Parana ở miền đông nam đóng cửa các cơ sở kinh doanh không thiết yếu và áp dụng lệnh giới nghiêm từ 20h đến 5h sáng bắt đầu từ hôm 26/2.
Bang Rio Grande do Sul ở gần đó cũng áp dụng biện pháp tương tự, bắt đầu từ 1/3. Thủ đô Brasilia yêu cầu trường học và tất cả cơ sở kinh doanh không thiết yếu đóng cửa từ 28/2. Trong khi đó, bang Bahia ở đông bắc nước này đóng cửa các cửa hàng bán lẻ không thiết yếu.
Phương Vũ (Theo AFP)