Tuần qua có tổng cộng 245 ca nặng điều trị, số nặng giảm 26% so với tuần trước. Trong tuần không ghi nhận ca tử vong.
Số ca nhiễm trung bình là hơn 800 một ngày. Trong đó, một số ngày ghi nhận ca mắc mới tăng nhẹ hơn so với hôm trước gồm 21/6 tăng 288 ca, 22/6 tăng 140 ca, 25/6 tăng 4 ca. Tuy số ca nhiễm hàng ngày tăng, song tổng số ca nhiễm tương đương với tuần trước với hơn 5.700.
Các chuyên gia cho rằng số ca nhiễm tăng trở lại có nhiều nguyên nhân. Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nhận định nguyên nhân chủ yếu do người dân chủ quan, lơ là cảnh giác, không muốn tiêm vaccine nhắc lại. Bên cạnh đó, miễn dịch do tiêm chủng đã suy yếu. Tuy nhiên, số nhiễm tăng không đáng kể, số tử vong và nặng chưa tăng, do đó không gây quá tải bệnh viện.
Chia sẻ quan điểm tương tự, phó giáo sư Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho rằng có thể số ca nhiễm không thực sự tăng mà do địa phương báo cáo bổ sung nhiều ngày liên tiếp. Số tăng không đáng kể, nhiều nơi dịch bệnh khác đã "chiếm lĩnh", ví dụ sốt xuất huyết.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng người dân không lơ là khi thấy Covid-19 đã được kiểm soát, đặc biệt những người đối tượng nguy cơ, người cao tuổi, suy giảm miễn dịch. Đây là những nhóm có nguy cơ trở nặng cao khi mắc Covid-19.
Trước tình trạng chậm tiêm các mũi vaccine Covid-19 nhắc lại, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu 20 tỉnh miền Nam tiêm hết vaccine đã phân bổ trước 30/6. TP HCM và Bình Phước cũng yêu cầu người dân không đồng ý tiêm chủng, phải ký giấy cam kết chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh.
Cộng dồn đến 24/6, toàn quốc tiêm chủng tổng cộng hơn 229 triệu liều, trong đó gần 15 triệu mũi 3, hơn 3 triệu mũi 4, hơn 7 triệu mũi cho trẻ 5-11 tuổi.
Chi Lê - Thúy Quỳnh