Thời gian gần đây, hàng tạ cá tôm sinh sống tự nhiên trên dòng khe Sào đoạn chảy qua xã Bãi Trành, huyện Như Xuân, Thanh Hóa và xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, chết nổi lên mặt nước. Theo người dân, tình trạng này xảy ra rải rác suốt hai năm qua, song một tuần nay lượng cá chết tăng đột biến.
Khúc suối dài 5 km từ thôn 10, xã Bãi Trành về xã Nghĩa Yên la liệt xác cá, ruồi nhặng bu đầy, bốc mùi hôi thối. Nghi ngờ cá chết do nguồn nước nhiễm độc, người dân không dám vớt làm thực phẩm hoặc chế biến cho gia súc.
Từ khi tôm cá chết lượng lớn, người dân phát hiện nguồn nước ở thượng nguồn khe Sào cũng đổi từ trong xanh sang đen kịt, sủi bọt trắng đục. "Không có loại tôm cá nào có thể tồn tại dưới dòng khe đen kịt này", anh Nguyễn Anh Vương, xã Nghĩa Yên, nói.
Khe Sào (còn gọi là khe Ang) dài 25 km bắt nguồn từ xã Bãi Trành, huyện Như Xuân, Thanh Hóa chảy vòng qua bốn xã Nghĩa Yên, Nghĩa Mai, Nghĩa Thịnh và Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An rồi hợp lưu với dòng sông Hiếu.
Theo người dân địa phương, dòng khe Ang chưa bao giờ cạn, có nhiều loài cá, tôm sinh sống. Từ xa xưa, con khe là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu cho hàng nghìn hộ dân sinh sống ven hai bờ. Tuy nhiên, khoảng hai năm gần đây, từ khi một trang trại nuôi lợn công nghiệp đóng ở xã Bãi Trành, huyện Như Xuân đi vào hoạt động, dòng suối bỗng dưng biến đổi bất thường.
"Ban đầu nước chuyển màu xanh lơ, dần dần sang màu đen, có lúc lại đỏ quạch. Chắc chắn nguồn nước đã bị ô nhiễm nặng...", anh Nguyễn Anh Dũng, 44 tuổi, ở xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, nói.
Ngôi làng của gia đình anh Dũng sinh sống là xóm 13 Lâm Sinh, cách xã Bãi Trành khoảng 3 km về phía hạ lưu, nơi chịu tác động nặng khi khe Sào ô nhiễm. Gần đây người dân không dám dùng nước khe tắm giặt hoặc tưới tiêu vì sợ mắc bệnh. Họ phải dùng vật dụng hứng nước mưa hoặc lấy nước ngầm ở xa con suối.
Hộ anh Dũng trồng 2 ha cây ăn quả gồm táo và ổi, mỗi năm cho thu nhập khoảng 250 triệu đồng. Từ năm 2023 đến nay, anh không dám hút nước dưới suối tưới mảnh vườn khiến sản lượng sụt giảm gần một nửa so với trước. Vườn ổi đang vào vụ ra hoa nhưng không đủ nước tưới khiến những quả non héo rụng. "Đời sống người dân đang bị đảo lộn", anh Dũng nói và cho hay về lâu dài rất lo lắng cho sức khỏe của gia đình.
Chị Thái Thị Minh, 37 tuổi, cho biết nhà sống cạnh bờ khe Sào, nếu lội qua khe hoặc vô tình chạm vào nguồn nước thì da chân tay sẽ bị nổi mẩn ngứa.
Nghi vấn trang trại nuôi lợn đóng ở xã Bãi Trành của Công ty CP Chăn nuôi Tâm Việt xả thải bẩn gây ô nhiễm, hai ngày qua chị Minh và hàng trăm người dân ở xã Nghĩa Yên đã đến cổng trang trại lợn và một số đoạn khe có mức độ ô nhiễm nặng để phản đối chủ trại.
Theo chị Minh, trước đây người dân từng nhiều lần phản ánh đến chính quyền về nghi vấn trang trại lợn gây ô nhiễm. Cuối năm 2023, đại diện doanh nghiệp thừa nhận gặp sự cố nên chất thải tràn ra khe Sào. "Họ hứa khắc phục sớm song tình hình không có cải thiện mà ngày còn nặng nề hơn", chị Minh nói.
Trước phản ứng của người dân, ngày 5/7, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thanh Hóa phối hợp với chính quyền huyện và các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An lấy mẫu nước thải quanh khuôn viên trại lợn Bãi Trành và dưới dòng khe Sào đưa đi xét nghiệm. Người dân xã Nghĩa Yên cũng cử đại diện vào trại lợn giám sát, nêu ý kiến trong buổi làm việc.
Ông Nguyễn Hữu Tuất, Phó chủ tịch UBND huyện, cho hay bước đầu chưa kết luận được trang trại lợn Bãi Trành có gây ô nhiễm cho khe Sào hay không. Kiểm tra tại hiện trường của đoàn liên ngành ngày 5/7 "chưa phát hiện trang trại xả thải bẩn ra môi trường".
Tuy nhiên theo ông Tuất, có một hồ chứa nước thải lớn trong trại lợn không có bạt lót thành và đáy nên "có nguy cơ rò rỉ phía dưới". "Cần chờ kết quả phân tích các chỉ số mới có cơ sở đối chiếu, xác định nguyên nhân ô nhiễm", ông Tuất nói.
Dự án trang trại nuôi lợn Bãi Trành của Công ty CP Chăn nuôi Tâm Việt xây dựng trên diện tích khoảng 19 ha, hoạt động tháng 10/2022, quy mô 20.000 lợn thịt mỗi lứa và 2.400 lợn nái. Ở giai đoạn một hiện nay, trang trại này nuôi hơn 12.000 con lợn.