Một du khách ghé thăm làng Miao ở thành phố Côn Minh phía tây nam Trung Quốc hôm 5/11 ghi hình con cá chép có mặt giống như mặt người. Cá chép (Cyprinus carpio) hoang dã có nhiều màu sắc từ olive đậm tới bạc. Trong môi trường nuôi nhốt, cá chép được nhân giống để có vệt màu trên cơ thể theo mong muốn, bao gồm màu vàng - đỏ và đen, theo Cơ quan Công nghiệp Cơ bản, bang New South Wales, Australia.
Việc chúng ta trông thấy gương mặt người ở một loài quá khác biệt được giải thích bởi thuyết hình người (anthropomorphism). Theo đó, chúng ta thường gán những đặc điểm hoặc hành vi của con người cho động vật hoặc đồ vật. Thuyết này xuất phát từ bản năng gắn kết với thế giới tự nhiên của con người. Các nghiên cứu chỉ ra trẻ em thích thú với động vật hơn bất kỳ vật thể nào trong môi trường của chúng. Tên và tiếng kêu của động vật nằm trong số những từ đầu tiên một đứa trẻ học nói.
Có nhiều giả thuyết xoay quanh lý do con người nhân hình hóa vật thể không phải người. Phần lớn giả thuyết kết luận đó là hành vi tùy ý nhằm mở rộng cấu trúc xã hội, cho phép chúng ta đọc những gợi ý, ngôn ngữ cơ thể và hành vi để sinh tồn.
An Khang (Theo IFL Science)