Theo Xinhua, hồi tháng 4, tiến sĩ Vạn An và Trương Hiểu ở trường Đại học Sư phạm An Khánh trong khi điều tra môi trường sinh thái lưu vực sông Tụy, phía bắc núi Đại Biệt thì phát hiện một loài cá này.
"Lúc đó chúng tôi cho rằng, phát hiện chỉ là tình cờ. Tuy nhiên, đi dọc xuống hạ lưu con sông để tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy sông chỉ có mỗi loài cá này", ông Vạn kể lại.
Thân cá màu sẫm, có đốm vảy màu xanh, vây trên rất sắc và cứng. Miệng đầy răng sắc nhọn, mang cá màu đen. Lúc mới đầu, ông Vạn cho rằng đó là cá rô phi. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, ông phát hiện đây là cá Thái Dương xanh, có nguồn gốc từ Mỹ, là loài có tính xâm lấn mạnh.
Các hộ nuôi trồng thủy sản quanh sông Tụy cho biết, loài cá này xuất hiện gần hai năm nay. Chúng "chiếm lĩnh dòng sông", cá nuôi đều bị "ăn thịt sạch", họ cho hay.
"Hai năm nay, mỗi lần tháo nước khỏi ruộng nuôi, đều trơ lại dưới đáy loài cá này. Chúng tôi vệ sinh sạch sẽ, sang năm thứ hai chúng lại tiếp tục xuất hiện, không thể diệt nổi", ông Mạnh, một hộ nuôi cá kể lại.
Tiến sĩ Vạn cho biết, loài cá này du nhập vào Trung Quốc năm 1999. Ban đầu, chúng được nuôi để làm cảnh và làm mồi câu cá, chủ yếu ở các tỉnh phía nam như Quảng Tây, Quảng Đông. Đây là lần đầu tiên chúng xuất hiện ở khu vực sông miền núi Trung Quốc.
"Cá này ăn được, nhưng thịt không ngon lắm. Chúng có khả năng sinh sản mạnh, do đó rất dễ nuôi", ông Vạn nói. Hiện ông và đồng nghiệp trong ngành đang nghiên cứu cách diệt trừ loài cá xâm lấn này.
Hồng Hạnh