Như vậy, nỗ lực không để dịch tái phát trong vụ đông xuân như công điện ngày 1/11 của Thủ tướng đã không thể thực hiện. Tại Bắc Giang, từ 25/10, dịch đã lan rộng ở 39 hộ chăn nuôi của 2 huyện Việt Yên và Yên Dũng làm 5.200 trên tổng số 17.900 gia cầm chết. Tại Quảng Nam, dịch được phát hiện ngày 25/10 tại 2 xã thuộc huyện Thăng Bình và Quế Sơn làm 475 con vịt nhiễm bệnh. Tỉnh Thanh Hoá phát hiện điểm dịch vào ngày 31/10 tại một hộ chăn nuôi gà ở xã Lập Sơn, huyện Hậu Lộc.
Chế biến gia cầm ở chợ Long Biên. Ảnh: Anh Tuấn |
Thủ đô Hà Nội, nơi mỗi ngày tiêu thụ tới 30-40 tấn gia cầm và hiện có khoảng 3,5 triệu gà vịt, dịch tái phát ngay tại khu vực nội thành đông dân cư - quận Hoàng Mai. Ngày 26/10, lực lượng thú y đã phát hiện 15 con gà thuộc một hộ chăn nuôi ở phường Lĩnh Nam bị chết. Kết quả xét nghiệm: dương tính với virus H5.
Hà Nội 1 người tử vong vì cúm
Theo Ban chỉ đạo, hiện đã xác định chính xác 1 người chết do nhiễm virus cúm H5N1. Đó là một bệnh nhân nam, 35 tuổi, tại quận Đống Đa, Hà Nội. Bệnh nhân đã ăn thịt gia cầm được mua ở chợ Vĩnh Hồ. Ngày 26/10, bệnh nhân được đưa vào Viện y học các bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) với các biểu hiện của bệnh cúm gia cầm. Đến 29/10 thì bệnh nhân đã tử vong. Mẫu bệnh phẩm được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xác định là dương tính với virus cúm gia cầm H5N1. Còn một vài trường hợp bị nghi nhiễm virus cúm H5N1 đã được xác định âm tính.
Trước đó, ngày 3/10, 400 con vịt của gia đình ở Đồng Tháp đã bị chết vì dịch cúm. Tại huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, đàn vịt hơn 1.000 con cũng chết rải rác. Như vậy, so với cùng thời điểm năm 2004, năm nay dịch xảy ra trên diện rộng hơn, ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Dịch đã tấn công miền Bắc sớm hơn 1 tháng so với năm ngoái.Chủ trì cuộc họp hôm nay, Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch hành động khẩn cấp của từng đơn vị, địa phương mình, tiếp tục thực hiện việc tiêm phòng văcxin, phấn đấu cuối tháng này tiêm đạt trên 80% đàn gia cầm trong diện tiêm.
Từ nay đến hết tháng 12, cả nước sẽ thực hiện chiến dịch vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi, chợ buôn bán gia cầm sống, nơi giết mổ gia súc, gia cầm, cơ sở chế biến và cả đường vào khu vực chăn nuôi.
Hôm nay, một lần nữa 15 tỉnh thành phố được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Phó thủ tướng chỉ đích danh cần tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đó là: Hà Nội, Hà Đông, Hải Phòng, Hải Dương, Hạ Long, Thái Nguyên, Nam Định, Thanh Hoá, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Biên Hòa, TP HCM, Cần Thơ. Tại các tỉnh thành này, Phó thủ tướng yêu cầu cần quy hoạch lại hệ thống chăn nuôi, trước mắt không nuôi gia cầm trong nội thành, nội thị. Các trang trại phải áp dụng biện pháp an toàn sinh học, khuyến khích giảm chăn nuôi nhỏ lẻ và giảm đàn thủy cầm; không buôn bán gia cầm sống.
Mạnh tay tiêu huỷ gia cầm
Đề nghị tăng phụ cấp cho cán bộ thú y Hôm nay, Bộ Nông nghiệp đã trình Thủ tướng phê duyệt chế độ phụ cấp đặc thù đối với cán bộ thú y tham gia phòng chống dịch. Theo đó, công chức, viên chức thú y và những người trực tiếp tham gia tiêu hủy gia cầm, phun thuốc tiêu độc khử trùng, thường trực chống dịch 24/24 giờ tại các chốt kiểm dịch được hưởng 50.000 đồng một người một phiên trực. Ngày nghỉ mức phụ cấp tăng lên 1,3 lần và ngày lễ là 1,8 lần so với ngày thường. Riêng những người làm trong phòng thí nghiệm có tiếp xúc với mẫu bệnh phẩm cúm gia cầm sẽ được phụ cấp là 3.000 đồng cho một mẫu bệnh phẩm. Người trực tiếp đi tiêm phòng văcxin, mức phụ cấp là 50.000 đồng một người một ngày. |
Hôm nay, Bộ Nông nghiệp đã ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch cúm ở gia cầm. Theo đó, một quy trình khai báo và xử lý gia cầm nhiễm dịch được thiết lập chặt chẽ. Khi có gia cầm bị bệnh và chết, hộ chăn nuôi phải báo ngay cho trưởng thôn để báo cáo Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm cấp xã và cấp trên. Chính quyền xã cử ngay cán bộ thú y đến lấy mẫu trên gia cầm bị bệnh và khu vực xung quanh để gửi đi xét nghiệm, đồng thời tiêu hủy ngay đàn gia cầm nhiễm bệnh.
Khi dịch xảy ra tại một hộ, nếu các hộ xung quanh nuôi nhốt thì chỉ tiêu huỷ đàn gia cầm của hộ bị dịch. Nếu hộ xung quanh nuôi thả rông thì phải tiêu huỷ toàn bộ gia cầm của các hộ xung quanh. Khi dịch xảy ra tại 2 điểm khác nhau trở lên trong thôn nuôi gia cầm thả rông thì tiêu huỷ toàn bộ gia cầm trong thôn. Tuỳ vào tình hình dịch, Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm cấp tỉnh sẽ quyết định việc mở rộng phạm vi tiêu huỷ gia cầm trong vùng có dịch.
Sau khi tiêu hủy, trong phạm vi bán kính 3 km tính từ ổ dịch, phải tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường, phun thuốc khử trùng các phương tiện ra vào khu vực có dịch. Toàn bộ đàn gia cầm trong vùng vành đai 3-5 km tính từ điểm dịch phải được tiêm phòng bao vây. Cũng trong bán kính 3 km kể từ điểm dịch, đàn gia cầm cần được giám sát, bố trí lực lượng gác không để vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm ra khỏi vùng dịch.
Riêng đối với chim cảnh, chim hoang dã, Bộ Nông nghiệp quy định cấm vận chuyển và buôn bán loại hàng hoá này vào nội thành, nội thị; không nuôi chim cảnh ở nơi công cộng, nơi có đông người qua lại hoặc tụ tập. Đối với gia cầm, chim cảnh nuôi ở vườn thú, nơi công cộng phải để kín, không cho du khách đến gần. Gà chọi, gà cảnh, người nuôi phải đăng ký với UBND xã phường và phải tiêm phòng để được cấp giấy chứng nhận.
Trong thông tư, Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát nhấn mạnh từ nay đến 31/3, hằng ngày, UBND tỉnh thành phố phải gửi báo cáo về thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm trước 16h theo địa chỉ: dah.vn@fpt.vn hoặc fax: 04.8686339. Các địa phương không được che giấu hoặc báo cáo sai lệch về tình hình dịch bệnh.
Quy định có nhiều điều cấm nhất từ trước đến nay
Quy định về điều kiện chăn nuôi, ấp trứng, vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm do Bộ trưởng Cao Đức Phát ký hôm nay chỉ có 20 điều, nhưng có tới 20 khoản cấm. Theo giải thích của Bộ Nông nghiệp, trước nguy cơ đại dịch cúm trên người đang cận kề thì cần phải thắt chặt các biện pháp phòng dịch.
Về chăn nuôi có 4 khoản cấm, gồm: Nuôi gia cầm trong nội thành, nội thị, khu đô thị mới, các khu công nghiệp, khu vực gần trường học, bệnh viện; Chăn nuôi thả rông, thủy cầm chạy đồng; Gây ô nhiễm môi trường hệ sinh thái và không đảm bảo vệ sinh thú y; Không chủ động khai báo bệnh dịch, làm lây lan, phát tán nguồn bệnh, bán chạy gia cầm và sản phẩm gia cầm bệnh, ốm, chết.
Về vận chuyển gia cầm có 3 khoản cấm, gồm: Chở gia cầm sống trên phương tiện công cộng chuyên chở hành khách; Vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch thú y; Vận chuyển và phát tán gia cầm bị bệnh, chết, lông, phân gà chưa được xử lý.
Việc chế biến gia cầm có 4 khoản cấm, trong đó có cấm giết mổ gia cầm không đúng nơi quy định, chế biến tiết canh gia cầm.
Hà Nội thành lập bổ sung 6 trạm kiểm dịch động vật UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định thành lập bổ sung 6 trạm kiểm dịch cố định tại các tuyến giao thông cửa ngõ thành phố, gồm: Cầu Chui, quận Long Biên; Thượng Đình, quận Thanh Xuân; Nam Thăng Long và trạm Nhổn, huyện Từ Liêm; trạm Pháp Vân, quận Hoàng Mai; trạm ngã ba đường Láng-Hoà Lạc, Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình. Thành phố yêu cầu các trạm kiểm dịch động vật nói trên luôn luôn phải có 2 lực lượng trực thường xuyên là cán bộ thú y và cảnh sát giao thông. |
Như Trang