Ngày 16/12, người dân TP HCM lần đầu tiên có thể sử dụng điện thoại thông minh kiểm tra nguồn gốc miếng thịt heo. Đây là đề án kiểm soát chất lượng thịt qua hệ thống vòng nhận diện và con tem.
Công ty cổ phần chăn nuôi C. P Việt Nam là một trong những doanh nghiệp tham gia chương trình này. Tổng giám đốc Montri Suwanposri cho biết, bằng phần mềm online, hệ thống trang trại quản lý chặt quy trình từ khi con heo sinh ra đến lúc xuất bán thịt.
- TP HCM triển khai đề án kiểm soát thịt heo bằng hệ thống đeo vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc. Ông đánh giá thế nào về động thái này?
- Quản lý chất lượng nông sản bằng biện pháp truy xuất nguồn gốc từ sản xuất đến tiêu thụ là một giải pháp tiến bộ mà nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, nhất là ở các nước có nền nông nghiệp đi đầu như Nhật Bản, châu Âu.
Đề án thể hiện sự quyết tâm của thành phố đối với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là với ngành hàng thịt heo.
Với cách làm tất cả heo sống và heo mảnh đưa vào thành phố tiêu thụ phải được nhận diện và truy xuất nguồn gốc bằng vòng nhận diện đeo ở chân, tôi tin sau khi triển khai rộng rãi, lượng thịt heo trên địa bàn thành phố sẽ đảm bảo an toàn.
- Quy trình kiểm soát thịt heo qua hệ thống vòng nhận diện ở C.P Việt Nam diễn ra thế nào?
- Hệ thống sản xuất thịt heo của công ty bắt đầu từ sản xuất con giống. Heo con tách mẹ lúc 3 tuần tuổi, chuyển đến một địa điểm khác để nuôi cho đến khi xuất chuồng, bán thịt. Phương pháp này được gọi là hệ thống chăn nuôi 2 điểm, khác với hệ thống chăn nuôi một điểm là heo con sinh ra và nuôi cho đến xuất bán thịt trên cùng một trang trại.
Hệ thống chăn nuôi của chúng tôi còn áp dụng giải pháp cùng vào - cùng ra. Tất cả heo con được sinh ra từ một trại heo nái, cùng một tuần tuổi, cai sữa cùng ngày và chuyển đi nuôi cùng trong một chuồng cho đến khi xuất bán thịt. Nhờ vậy, chúng tôi quản lý chính xác về thức ăn, nuôi dưỡng theo từng nhóm từ khi sinh ra cho đến khi xuất bán thịt. Tất cả hệ thống này đều thực hiện bằng phần mềm quản lý online.
Khi heo đến tuổi xuất chuồng, sẽ được chuyển về các trung tâm bán heo hơi và trước khi xuất bán cho TP HCM, chúng tôi đeo vòng nhận diện để truy xuất nguồn gốc. Mặc dù chúng tôi có đầy đủ dữ liệu của con heo từ khi sinh ra, nhưng trước mắt, theo giai đoạn 1 của đề án là truy xuất nguồn gốc từ trang trại. Nên sang giai đoạn 2 chúng tôi sẽ kết nối dữ liệu để người tiêu dùng có thể biết thêm các thông tin khác trong quá trình nuôi dưỡng.
- Việc đeo vòng nhận diện và dán tem lên từng miếng thịt heo sẽ kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ra sao?
- Doanh nghiệp, người chăn nuôi khi đeo vòng nhận diện vào chân heo để xuất bán là tự khẳng định và chịu trách nhiệm với khách hàng.
Chỉ cần vài thao tác kiểm tra đơn giản, mọi người có thể truy rõ nguồn gốc của miếng thịt. Nếu không đảm bảo chất lượng, doanh nghiệp sẽ mất uy tín, thương hiệu, nên chúng tôi tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc an toàn vệ sinh thực phẩm.
Với cách quản lý này, C.P đang nuôi hàng triệu con heo nhưng vẫn đảm bảo chuẩn đầu ra thống nhất.
- Với hệ thống trang trại lớn cả gia súc lẫn gia cầm trải dài khắp tại nhiều địa phương, làm thế nào để công ty giám sát, truy xuất nguồn gốc 100% sản phẩm?
- Hoạt động chăn nuôi của C.P Việt Nam thực hiện theo phương thức hợp tác giữa người dân và công ty. Trong đó, toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất thực phẩm như con giống, thức ăn chăn nuôi, giám sát kỹ thuật chăn nuôi đều do công ty thực hiện.
Các ứng dụng công nghệ phục vụ cho quản lý, ví dụ các hệ thống phần mềm có thể ghi chép lại hiệu quả trong chăn nuôi heo như sử dụng thức ăn chăn nuôi gì, từ nhà máy nào, vào ngày tháng năm nào, sử dụng thuốc thú y gì… Hệ thống giám sát hành trình (GPS) hay camera online đều được công ty lắp đặt và theo dõi tại văn phòng công ty.
Hợp đồng hợp tác chăn nuôi giữa công ty với người dân cũng thể hiện rất rõ các quy định cấm tự ý sử dụng thuốc thú y ngoài danh mục của C.P Việt Nam và chỉ do công ty cung cấp. Chúng tôi nghiêm cấm sử dụng các chất cấm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trước khi xuất bán thịt, công ty còn thực hiện kiểm tra nước tiểu.
Công ty ứng dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO, VietGAHP, Chứng nhận an toàn dịch bệnh, hay tiêu chuẩn riêng của CP như SHE (an toàn - sức khỏe - môi trường). Hệ thống quản lý này giúp C.P tăng cường các giải pháp quản lý và cải tiến kỹ thuật, đặc biệt là môi trường, như ứng dụng biogas, máy ép tách phân heo, tái sử dụng nguồn nước, tiết kiệm năng lượng.
- Ông có chia sẻ, giá thành chăn nuôi heo ở Việt Nam cao hơn một số nước 30% . Vậy doanh nghiệp cần làm gì để tăng sức cạnh tranh?
- Tới đây, hoạt động sản xuất chăn nuôi tại Việt Nam phải cạnh tranh với các sản phẩm công nghệ cao ở những nước phát triển trước làn sóng thương mại tự do ngày càng mạnh mẽ.
Giá thành chăn nuôi heo ở Việt Nam cao hơn một số nước 30% cho thấy sức cạnh tranh của chúng ta yếu hơn nhiều. Vấn đề mấu chốt là nâng cao hiệu quả của toàn bộ các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất thực phẩm để sản xuất ra giá thành cạnh tranh. Bất kể doanh nghiệp hay nông hộ tham gia vào chuỗi giá trị ở khâu nào thì phải suy nghĩ tính toán ở khâu đó.
Ví dụ như trồng bắp như thế nào để có giá cạnh tranh thì chăn nuôi mới sử dụng bắp trong nước, không phải nhập khẩu, trong khi đó thức ăn chăn nuôi chiếm trên 60% giá thành chăn nuôi. Nếu có chiến lược bài bản thì chăn nuôi Việt Nam vẫn có nhiều thế mạnh để phát triển.
Thu Ngân