Việt Nam nằm trong nhóm nước có ngành chăn nuôi heo lớn nhất thế giới nhưng lại không thuộc nhóm quốc gia xuất khẩu thịt hàng đầu. Lý giải về điều này, đại diện Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết, chăn nuôi heo tại Việt Nam vẫn duy trì tình trạng nhỏ lẻ kéo dài với hơn 2,5 triệu nông hộ. Hình thức nuôi này thường không đảm bảo về giống heo cũng như chất lượng thức ăn, khiến khả năng sinh sản, sinh trưởng chỉ đạt 85-90% thế giới.
Mô hình nuôi thủ công chưa mang lại kết quả cao
Theo tính toán của C.P, để có một con heo thịt nặng 100kg xuất chuồng, người nuôi nhỏ lẻ phải bỏ ra 3,8 - 4 triệu đồng chi phí đầu vào. Mức này quá cao so với các nước khác, làm mất sức cạnh tranh của thịt heo ngay trên thị trường trong nước.
Ngoài ra, hầu hết người chăn nuôi trong nước còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất lẫn tiêu thụ. Muốn đưa thịt ra thị trường, họ phải tự tìm mối và trải qua nhiều khâu trung gian dẫn đến giá thịt tới tay người dùng quá cao, trong khi giá bán heo hơi lại thấp.
Những yếu tố này khiến lợi nhuận từ việc chăn nuôi heo không đủ để bù lại công sức người nông dân bỏ ra.
Liên kết khép kín để tăng sản lượng, chất lượng
Theo các chuyên gia của C.P Việt Nam, ngành chăn nuôi heo trong nước cần chuyển đổi mô hình phát triển từ chú trọng tăng quy mô sang định hướng vừa tăng quy mô, vừa nâng cao chất lượng.
Cụ thể, cần tổ chức lại ngành chăn nuôi theo hướng phát huy chuỗi liên kết khép kín, đảm bảo chất lượng thịt từ trang trại đến bàn ăn. Theo đại diện C.P, hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ cần chuyển dịch nhanh sang chăn nuôi trang trại, quy mô công nghiệp với trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất... để hạ giá thành, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng sản phẩm, cần nâng cao chất lượng con giống.
Để làm được điều này, nông dân cần liên kết với các doanh nghiệp chăn nuôi để được hỗ trợ cung cấp con giống chất lượng, thức ăn, chuyển giao kỹ thuật, đồng thời đảm bảo đầu ra ổn định cho thịt heo.
Hiện, Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện chuỗi khép kín. Mô hình hướng người nông dân chăn nuôi theo quy trình công nghiệp, quy mô lớn.
Bắt tay với nông dân đẩy mạnh chăn nuôi hợp tác
Ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc C.P. Việt Nam cho biết, từ năm 1993, khi C.P. đầu tư vào Việt Nam, chăn nuôi heo theo mô hình chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác đã được chú trọng và có xu hướng tăng lên. Trong đó, chăn nuôi hợp tác theo mô hình của C.P. Việt Nam giúp bà con thay đổi thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún.
"Với việc đảm bảo nguồn thức ăn sạch, con giống tốt, kỹ thuật chăn nuôi theo chuẩn quốc tế, trang trại đáp ứng những yêu cầu về chất lượng môi trường, hỗ trợ bà con về kỹ thuật lẫn đầu ra cho sản phẩm... Mô hình này không chỉ tạo ra nguồn cung ứng thịt đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng mà còn đảm bảo lợi nhuận cho người chăn nuôi", ông Xuân Huy nhấn mạnh.
Trong chăn nuôi hợp tác, người chăn nuôi bỏ vốn, được C.P. Việt Nam cung cấp con giống đầu vào, thức ăn, vắc-xin và cả hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Những hộ tham gia mô hình đều được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm sau khi đạt cân nặng hoặc thời gian dự kiến. Việc này giúp người chăn nuôi an tâm hơn trong quá trình chăn nuôi, sản phẩm chất lượng hơn, đầu ra dễ dàng và ít rủi ro hơn.
Bà Lê Thị Tịch (thôn Lệ Sơn, xã Hòa Tiến, Hòa Vang, Đà Nẵng), một nông dân thoát nghèo từ mô hình chăn nuôi heo hợp tác này cho biết: "Gia đình tôi đang nuôi 350 con heo, mỗi con gần 50kg. Khoảng 3 tháng nữa, khi heo đạt trên 100kg mỗi con, doanh nghiệp sẽ về thu mua hết, sau đó tiếp tục thả con giống đợt tiếp theo".
Bà cũng cho biết, chăn nuôi theo kiểu nhỏ lẻ như trước đây, mỗi khi heo đến kỳ được bán thì hay bị thương lái ép giá, trong khi cám bã không ngừng tăng giá, may được chút lãi không thì hòa vốn, có khi còn lỗ. "Từ khi ký kết với C.P. Việt Nam, chăn nuôi cho họ, gia đình tôi đỡ lo lắng hơn", bà Tịch nói.
Đại diện C.P Việt Nam cho rằng, chăn nuôi hợp tác là hình thức tất yếu của quá trình phát triển chăn nuôi. Nuôi hợp tác sẽ tận dụng thời gian nhàn rỗi, sức lao động, chuồng trại của nông dân để phát triển. Mô hình góp phần đảm bảo trách nhiệm, lợi ích giữa các bên, tránh rủi ro; đồng thời còn giúp người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và cân đối cung cầu các sản phẩm chăn nuôi.
Gia Hưng