![]() |
Cần phát hiện chứng điếc bẩm sinh của trẻ từ giai đoạn sơ sinh. |
Đơn vị thính lực nói trên được Đan Mạch và Nhật Bản tài trợ, kinh phí xây dựng và mua sắm trang thiết bị là hơn 3 tỷ đồng. Đây sẽ là địa điểm đầu tiên trong các bệnh viện phía Nam chuyên chẩn đoán và điều trị bệnh điếc cho trẻ.
Khi đi vào hoạt động, đơn vị thính lực của Bệnh viện Nhi Đồng 1 sẽ phối hợp với các cơ sở sản khoa để tầm soát những trẻ có yếu tố nguy cơ điếc. Đó là con những bà mẹ trong thời kỳ mang thai bị nhiễm virus, phóng xạ, ngộ độc thuốc; trẻ khi sinh bị ngộp hoặc bị kéo bằng forcep, trẻ sinh ra đã bị vàng da, nhiễm trùng rốn phải nằm hồi sức cấp cứu.
Bác sĩ Đặng Hoàng Sơn, Trưởng khoa Tai mũi họng Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết việc phát hiện sớm bệnh điếc rất quan trọng, vì trẻ bị điếc lâu ngày nếu không được phát hiện và điều trị thì sẽ bị câm và có tâm lý mặc cảm.
Trong số trẻ bị điếc, 50% trường hợp bẩm sinh, 25% mắc phải và 25% còn lại không tìm được nguyên nhân. Việc phát hiện sớm các ca điếc bẩm sinh và không rõ nguyên nhân sẽ giúp trẻ đeo máy trợ thính sớm hoặc điều trị bằng phương pháp cấy điện ốc tai. Nhờ đó, trẻ có thể phát triển thính lực và ngôn ngữ. Với những trường hợp không thể can thiệp thì kịp thời áp dụng các chương trình giúp trẻ hòa nhập với xã hội. Với những trẻ bị điếc do biến chứng của các bệnh lý viêm tai giữa (như viêm tai giữa tiết dịch, viêm tai giữa mãn thủng nhĩ, viêm tai giữa mạn), bệnh có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm.
Trước đây, lúc chưa có máy đo thính lực (máy điện thính giác thân não và máy đo âm điện ốc tai), các bệnh viện chỉ phát hiện được bệnh điếc ở trẻ 5-6 tuổi nên việc điều trị không mang lại kết quả toàn diện. Hơn nữa, các bà mẹ thường chỉ đưa trẻ đến khám khi nhận thấy chúng chậm chạp, chậm nói, lãng tai. Lúc này, ít nhiều trẻ đã bị ảnh hưởng đến tâm lý (mặc cảm, dễ cáu gắt do không nghe được), thậm chí một số trẻ đã bị câm. Vì vậy, theo bác sĩ Sơn, cần cho trẻ đi khám và đo thính lực ngay nếu đã 6 tháng tuổi đến 1 năm mà vẫn dửng dưng trước những tiếng động lớn, tiết dịch ở tai; hoặc trẻ hơn 1 tuổi có những triệu chứng lãng tai, ù tai, nghe kém.
(Theo Người Lao Động)