Cung đường giao hàng của Dorje. Video: Reuters.
Năm 1989, Chimed Dorje được tuyển dụng làm bưu tá duy nhất ở châu tự trị dân tộc Tạng Grazê, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, vì anh vừa biết lái vừa biết sửa xe. Dorje phụ trách tuyến giao hàng hiểm trở nhất khu vực này, theo Reuters.
Dorje phải lái xe từ độ cao 2.500 mét tới 5.000 mét, vượt qua đường núi cao nhất ở tỉnh Tứ Xuyên, đi lại giữa các thành phố trong nước và khu tự trị Tây Tạng để cung cấp bưu kiện kịp thời cho người dân suốt 30 năm qua.
"Từ tháng 10 tới tháng 5 năm sau, toàn bộ ngọn núi bị băng tuyết bao phủ. Một phút bất cẩn cũng có thể lật xe, mất mạng", Dorje nói.
Cung đường nguy hiểm và khí hậu vùng cao cực đoan khiến đa số lái xe sợ hãi, trừ Dorje, người đi đi về về khu vực này 20 lần mỗi tháng. Mùa đông, anh thường xuyên mắc kẹt trên núi vì tuyết rơi dày cản đường.
"Lúc đó chúng tôi lại ăn Zanba (một loại bánh làm từ bột ngũ cốc của người dân Tây Tạng), bơ và thịt bò khô. Cũng có thể trộn Zanba ăn với tuyết", anh kể.
Tuy nhiên, những khó khăn này chưa phải điều tệ nhất. Tháng 9/2012, Dorje gặp cướp. Anh bị thương nặng, bị chém 17 nhát, gãy 4 xương sườn, chấn thương hộp sọ. Bình phục được một năm, anh tình nguyện trở lại công việc.
"Chỉ khi quay lại tay lái, tôi mới sống vui vẻ và tràn đầy nhiệt huyết như ca sĩ biểu diễn trên sân khấu", Dorje tâm sự.
Trong hơn 30 năm công tác, anh hiếm khi ăn Tết ở nhà cùng gia đình, những người luôn lo lắng mỗi khi anh lên đường làm việc.
"Tôi sợ nhất là anh ấy gặp tai nạn vì đường lên đỉnh Tước Nhân cực kỳ nguy hiểm. Sáng nào tôi cũng cầu Phật phù hộ anh ấy bình an", Tsering Chosi, vợ của Dorje, bày tỏ.
Với Dorje, anh hạnh phúc khi nhìn thấy mọi người vui vẻ lúc bưu kiện tới.
"Tuyến giao hàng này rất quan trọng vì nó giống cây cầu kết nối những thành phố trong nước với Tây Tạng. Khi chúng tôi giao giấy thông báo trúng tuyển đại học cho các em học sinh, chúng tôi cũng phấn khích hệt các em", một đồng nghiệp của Dorje nói.
"Dù bạn ở đâu, chúng tôi đều giao được tận tay. Đó là nhiệm vụ của chúng tôi, chúng tôi có trách nhiệm hoàn thành. Đường giao hàng cũng chính là con đường làm giàu, bởi bạn có thể đặt mua hàng hóa từ nơi khác, cũng như bán đặc sản từ quê hương đi khắp Trung Quốc", Dorje giải thích.
Trong 30 năm qua, anh đã đi hơn 1,4 triệu km đường, tương đương vòng quanh xích đạo Trái Đất 35 lần mà chưa từng phạm sai lầm.