From: Phạm Thanh Liêm
To: Ban Thế giới
Sent: Tuesday, December 23, 2003 2:12 AM
Tiêu đề: Cuộc chiến tranh Iraq và ảnh hưởng của TT Bush
Iraq là một quốc gia độc lập có chủ quyền, có đại diện hợp pháp tại Liên Hợp Quốc. Nước Mỹ, mà cụ thể là chính quyền Tổng thống Bush, đã nhiều lần tuyên bố đất nước Iraq có vũ khí huỷ diệt hàng loạt và có bằng chứng. Nhưng đến bây giờ họ đã đưa ra được bằng chứng nào đâu? Chỉ cần Washington đưa ra được một trong các bằng chứng về loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt đó thì cuộc chiến tranh đó có thể coi là chính nghĩa (tôi nói có là thể chính nghĩa vì có nhiều cách khác nhau để giải quyết vấn đề mang tính hoà bình, ít tổn thất hơn đến nhân dân vô tội mà vẫn loại trừ được vũ khí huỷ diệt hàng loạt).
Chính quyền Tổng thống Bush cho mở cuộc chiến tranh này, theo tôi, không phải vì vũ khí huỷ diệt hàng loạt mà có lẽ chỉ vì Iraq là đất nước đứng thứ hai trên thế giới về dầu mỏ mà thôi! Mà năng lượng cho nước Mỹ lại đang là vấn đề đau đầu đối với họ trong vòng vài chục năm nữa. Và chiến thắng trong cuộc chiến tranh này coi như người Mỹ đã giải quyết xong bài toán đau đầu đó. Tôi cũng nghĩ rằng thời điểm phát động cuộc chiến tranh này đã được nước Mỹ vạch ra từ những năm 90 của thế kỷ trước khi mà họ làm mọi cách để LHQ đưa ra được chính sách cấm vận đối với Iraq. Một đất nước bị cấm vận lại không được xuất khẩu dầu mỏ (nguồn thu nhập chính của Iraq) thì chẳng mấy mà sẽ suy yếu và đánh thắng được là một điều tất yếu (???). Một chiến thắng mà không ổn định được tình hình, không lấy được lòng dân thì cũng có thể coi đó là một thất bại. Tôi nói thất bại vì chính quyền Tổng thống Bush rêu rao rằng cuộc chiến lật đổ Hussein là đem lại cho nhân dân Iraq một cuộc sống dân chủ hơn, sung túc hơn, ổn định hơn. Nhưng bằng đó mục tiêu họ đặt ra cho nhân dân Iraq đều không thực hiện được khi mà hằng ngày vẫn có những thường dân vô tội và lính Mỹ vô tội bị chết. Lính Mỹ vô tội vì họ đâu có muốn đến đất nước Iraq để gây chiến tranh, họ là công dân của một nước thì họ phải thực hiện nghĩa vụ quân sự của nước đó, tuy nhiên nghĩa vụ quân sự mà họ bắt buộc phải theo lại không chính nghĩa một chút nào.
Chúng ta chỉ có thể trách ông Hussein ở đây một điều là ông đã không uyển chuyển trong cách thức ngoại giao khi phải đối đầu với một đất nước luôn coi mình là cái gai trong mắt họ. Có thể nói Tổng thống Hussein là một nhà độc tài (!!!???), ông đã lãnh đạo một đất nước mà ông đã không đặt cuộc sống của người dân nước đó làm kim chỉ nam cho mọi quyết sách thì ông không thể được coi là một nhà lãnh đạo giỏi, một nhà lãnh đạo vì dân. Nếu ông là một nhà lãnh đạo giỏi, một nhà lãnh đạo vì dân thì ông đã không cương đến mức như trước khi cuộc chiến nổ ra. Ông có thể lùi hai bước để tiến một bước dài hơn, để làm xoa dịu cơn hoả trong lòng người Mỹ, để có nhiều thời gian hơn trong việc chuẩn bị các quyết sách tiếp theo. Nếu ông suy xét mọi quyết sách một cách biện chứng hơn thì có lẽ vấn đề bây giờ đã khác. Tôi nói như thế không có nghĩa rằng cuộc chiến này, cuộc lật đổ thể chế Hussein không phải không bao giờ xảy ra, bởi một lẽ rằng đó là ý đồ của một nước lớn, một ý đồ đã được chuẩn bị từ rất lâu và rất tốn kém. Nhưng ý đồ đó sẽ xảy ra một cách hoà bình hơn, ít tổn thất hơn, nhân dân 2 nước đỡ khổ hơn.
Nếu như Tổng thống Hussein nghĩ đến nhân dân, đến đất nước Iraq nhiều hơn thì hẳn ông đã không xử sự như thế trước người Mỹ. Nếu như Tổng thống Hussein nghĩ được rằng tài sản quốc gia (cụ thể ở đây là nguồn dầu mỏ) là của người dân thì ông đã có thể chuyển giao quyền lực cho một người khác được lòng người Mỹ hơn để nguồn dầu mỏ đó không rơi vào tay người Mỹ. Vì rằng, nếu nguồn dầu mỏ đó là của nhân dân thì bất cứ ai cũng được (không nhất thiết phải là ông Hussein) đứng lên điều hành đất nước, khai thác nguồn tài nguyên đem lại lợi ích cho nhân dân, cho đất nước. Nhưng vì ông Hussein đã không nghĩ như vậy nên khi ông mất đi thì nguồn dầu mỏ cũng mất vào tay kẻ khác, nhân dân của ông không được lợi gì.
Tuy nhiên, những điều tôi nói ở trên chỉ có thể xảy ra nếu như Tổng thống Bush giữ lời hứa rằng khi Tổng thống Hussein chuyển giao quyền lực cho người khác thì cuộc chiến sẽ không xảy ra. Còn nếu như Tổng thống Bush không giữ lời hứa thì cuộc chiến vẫn cứ sẽ xảy ra khi mà đã có một cuộc chuyển giao quyền lực giữa Tổng thống Hussein và một người khác. Vì thế có thể nói rằng chính Tổng thống Bush mới quyết định cuộc chiến có xảy ra không mà thôi.