Ngày 16/8, thẩm phán Sunil Vedpathak, chủ tọa phiên tòa, đưa ra phán quyết bác đơn kiện xâm phạm thương hiệu của Burger King Corporation chống lại nhà hàng Burger King ở thành phố Pune, bang Maharashtra trong cuộc chiến pháp lý kéo dài 13 năm.
Tòa án thành phố Pune cho rằng nhà hàng đã hoạt động từ năm 1992, nhiều năm trước khi công ty đa quốc gia này bắt đầu kinh doanh tại Ấn Độ.
Burger King Corporation được thành lập vào năm 1953 với tên gọi Insta-Burger King và đổi tên thành Burger King vào năm 1959. Công ty gia nhập thị trường Ấn Độ vào tháng 11/2014, mở cửa hàng đầu tiên tại thủ đô Delhi và đến Pune vào năm sau.
Công ty cho biết họ đã gửi thư đề nghị chấm dứt hành vi vi phạm vào năm 2009 sau khi phát hiện cặp vợ chồng Anahita và Shapoor Irani đang sử dụng tên Burger King cho nhà hàng của họ. Vợ chồng Irani trả lời rằng tập đoàn không thể yêu cầu bất kỳ quyền theo thông luật nào vì không có nhà hàng Burger King hoạt động ở Ấn Độ vào thời điểm đó.
Burger King Corporation đệ đơn kiện vào năm 2011, cho rằng tên của nhà hàng ở Pune đã xâm phạm thương hiệu của họ, đòi bồi thường và yêu cầu tòa ra lệnh cấm vĩnh viễn.
Vợ chồng Irani lập luận đã sử dụng cái tên này từ năm 1992, hơn một thập kỷ trước khi chuỗi cửa hàng Mỹ đến Ấn Độ. Logo hai bên khác nhau nên mọi người không thể nhầm lẫn nhà hàng ở Pune với chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh toàn cầu.
Tuy nhiên, khi vụ việc kéo dài, cặp vợ chồng đã đổi tên nhà hàng thành Burger.
Họ cũng kiện lại gã khổng lồ thức ăn nhanh, yêu cầu bồi thường thiệt hại 2 triệu Rupee (khoảng 18.377 bảng Anh) với lý do vụ kiện đã làm tổn hại đến hoạt động kinh doanh của họ. Yêu cầu bồi thường bị tòa án bác bỏ vì "không cung cấp được bằng chứng chứng minh thiệt hại thực tế".
Đối với vụ kiện do Burger King Corporation đưa ra, tòa án cho biết tập đoàn này đã "thất bại" trong việc chứng minh hành vi xâm phạm thương hiệu, vì vậy không có quyền đòi bồi thường và nhà hàng ở Pune được tự do sử dụng tên này.
Tuệ Anh (Theo Independent)