Ngày thứ 3 sau mổ, bé gái hồi phục tốt, vượt qua những hiểm nguy khó lường. Ca mổ bướu quái “cực kỳ hiếm và khó khăn” đã huy động đội ngũ phẫu thuật viên, gây mê, hồi sức… hàng đầu bệnh viện. Y văn thế giới đến nay chỉ ghi nhận một trường hợp tương tự ở Mỹ từ năm 2004.
Bác sĩ Phan Minh Trí, Khoa Ngoại Tổng hợp cho biết bệnh nhi vào viện lúc 20 ngày tuổi với khối bướu ở góc hàm bên trái. Kiểm tra cho thấy khối u nằm từ góc hàm lan lên vùng nội sọ. Các bác sĩ đã hội chẩn toàn viện để thống nhất phương án phẫu thuật lấy khối bướu ra, giải thoát bé gái khỏi nguy cơ chèn ép đường thở, thực quản, chèn ép não dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết khối bướu quái vừa là mô đặc vừa chứa dịch, thậm chí có cả xương, tóc. Bướu quái thường gặp ở cơ quan sinh dục như buồng trứng, tinh hoàn, vùng xương cùng cụt, trong lồng ngực… Bướu quái vùng cổ hoặc vùng sọ cũng khá hiếm gặp, còn trường hợp kết hợp cả hai, lan từ cổ lên vùng sọ thế này là cực kỳ hy hữu.
Dự kiến hai kíp mổ riêng biệt, kíp lấy bướu vùng cổ, sau đó các phẫu thuật viên thần kinh lấy bướu vùng sọ. Tuy nhiên khối u rất dính và lớn, nguy cơ chảy máu và tử vong trên bàn mổ, đòi hỏi phải phối hợp nhiều nên cả hai kíp mổ vào cuộc đồng thời, hỗ trợ lẫn nhau để lấy trọn vẹn khối bướu.
"Quá trình mổ chỉ cần sơ suất nhỏ ảnh hưởng vào mạch máu, thần kinh khiến bệnh nhi gặp nhiều hiểm nguy tính mạng cũng như dị tật sau này", bác sĩ Hiếu phân tích. May mắn ca mổ thành công sau 7 giờ nhiều căng thẳng, nếu hồi phục tốt sẽ không cần phải can thiệp thêm.
Y văn thế giới từng ghi nhận một trường hợp tại Mỹ ở sản phụ 32 tuổi. Bướu được chẩn đoán phát hiện khi người mẹ mang thai 24 tuần tuổi và phẫu thuật ngay khi trẻ chào đời.
Lê Phương