Cây cà phê du nhập vào Việt Nam khá sớm (từ năm 1857) thông qua một số linh mục thừa sai người Pháp. Đầu tiên là giống cà phê Arabica (cà phê chè) được trồng thử nghiệm ở một số tỉnh phía Bắc, sau đó mới phát triển dần vào Nam Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Tuy nhiên, mãi đến những năm 1912-1914, cây cà phê mới thực sự ghi dấu ấn tại vùng đất này, bắt đầu với 2 công ty nông nghiệp lớn nhất Đắk Lắk, được chính quyền Pháp cho phép thành lập tại Buôn Mê Thuột. Đó là Công ty cao nguyên Đông Dương (CHPI) và Công ty Nông nghiệp An Nam (CADA) với tổng diện tích đồn điền cà phê trồng tập trung là 260 hecta.
Lượng cà phê lúc đó tuy còn rất ít, nhưng được đưa về chế biến, tiêu thụ và đem lại hiệu ứng không ngờ. Cây cà phê Buôn Mê Thuột trồng trên vùng đất tốt, khí hậu thích hợp đã cho ra sản phẩm thơm ngon đặc trưng ngoài sự mong đợi của các công ty Pháp. Các nhà rang xay tại Pháp lúc bấy giờ đánh giá chất lượng và hương vị tự nhiên của cà phê Buôn Mê Thuột thơm đặc trưng và đậm đà hơn hẳn cà phê Bờ Biển Ngà vốn đã nổi tiếng khắp châu Âu. Vì thế, nhiều nhà tư bản và chủ ngân hàng của Pháp quyết định đầu tư mở thêm nhiều đồn điền ở Buôn Mê Thuột.
Đến năm 1931, tổng diện tích cà phê ở Buôn Mê Thuột đã lên đến 2.130 ha. Tuy nhiên, thời kỳ này do bệnh gỉ sắt phát triển mạnh trên cây cà phê Arabica, làm giảm đáng kể năng suất, nên các chủ đồn điền Pháp lần lượt chuyển sang trồng loại cà phê Robusta năng suất cao, chất lượng thơm ngon hơn. Kể từ đó, Robusta trở thành cây cà phê chủ lực ở vùng đất Buôn Mê Thuột bởi khả năng thích nghi với điều kiện tự nhiên, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.
Đến nay, cây cà phê đã có mặt ở Buôn Mê Thuột hơn một thế kỷ. Suốt chiều dài lịch sử hàng trăm năm qua, cả về quy mô và danh tiếng, cà phê Buôn Mê Thuột nổi tiếng trong và ngoài nước. Với lợi thế là một vùng đất đỏ bazan màu mỡ, điều kiện tự nhiên thuận lợi, cao nguyên Buôn Mê Thuột không những là nơi cây cà phê sinh trưởng tốt, mà còn tạo nên hạt chất lượng cao, hương vị khác biệt so với nhiều vùng đất khác. Chính sự khác biệt về thiên thời, địa lợi này đã trở thành yếu tố quyết định lợi thế cạnh tranh của cà phê Buôn Mê Thuột. Địa danh này trở thành "thánh địa" của ngành cà phê toàn vùng Tây Nguyên và cả nước, đặc biệt đối với cà phê Robusta.
Cao nguyên Buôn Mê Thuột từng được các nhà địa chất xem là vùng giàu tiềm năng nhất Tây Nguyên, trong đó thành phố Buôn Mê Thuột là tiểu vùng thuận lợi nhất của cao nguyên này. Về địa hình, thành phố Buôn Mê Thuột nằm ở cao nguyên cùng tên (trước đây gọi là cao nguyên Đắk Lắk) rộng 3667km2 ở phía Tây dãy Trường Sơn. Đây là vùng cao nguyên đất đỏ bazan trẻ, ít bị chia cắt gợn sóng, có địa hình dốc thoải từ 0,5-10 độ và có độ cao trung bình 500m so với mặt nước biển, thấp dần từ Bắc xuống Nam. Khí hậu ở Buôn Mê Thuột mát mẻ, ôn hòa, vừa mang nét chung của khí hậu nhiệt đới gió mùa, vừa chịu ảnh hưởng của khí hậu vùng cao nguyên.
Buôn Mê Thuột có khí hậu có hai mùa mưa và khô rõ rệt. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến hết tháng 10, tập trung 90% lượng mưa hàng năm. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, nhiệt độ trung bình hàng năm là 23 độ C. Chính đặc điểm khí hậu sinh thái nông nghiệp này đã tạo nên độ ẩm, nhiệt độ và lượng mưa thích hợp cho cây cà phê tại Buôn Mê Thuột.
Tài nguyên đất là một trong những nguồn lớn nhất được thiên nhiên ưu đãi cho cây cà phê Buôn Mê Thuột. Nơi đây có loại đất thích hợp cho việc mở các đồn điền trồng cây công nghiệp, đặc biệt là cà phê. Theo tài liệu nghiên cứu của các nhà địa chất, vùng đất đỏ bazan của Buôn Mê Thuột được hình thành từ các đợt phun trào diễn ra từ kỷ Neogen giữa (một kỷ địa chất của Đại Tân Sinh) cách đây 16 triệu năm. Nhóm đất đỏ trên đá bazan phân bố nhiều nhất ở Buôn Mê Thuột và hầu hết diện tích cà phê tại đây được trồng trên loại đất này.
Đất đỏ bazan ở Buôn Mê Thuột có tính chất cơ lý tốt, giàu sắt, ít phèn, có kết cấu viên cục độ xốp bình quân 62-65%, nên khả năng giữ nước và hấp thu dinh dưỡng cao, thích hợp với đặc điểm sinh thái của cà phê. Đây là một lợi thế rất quan trọng về điều kiện phát triển tự nhiên cho cây cà phê Buôn Mê Thuột đã được nhiều nhà khoa học và các kỹ sư nông nghiệp công nhận.
Cùng với tài nguyên đất thì nước cũng chính là một lợi thế cho cây cà phê trên “thánh địa” này. Thành phố Buôn Mê Thuột có nguồn nước mặt là một đoạn sông Sêrêpok chảy qua phía Tây (khoảng 23km) và mạng lưới suối thuộc lưu vực sông Sêrêpok với nhiều hồ nhân tạo lớn nhất như Ea Kao, Ea Cuôr Kăp, Ea Nhái cùng nguồn nước ngầm khá dồi dào, trở thành nguồn tài nguyên vô giá cho cây cà phê Buôn Mê Thuộc suốt hàng trăm năm qua.
Với hành trình lịch sử trăm năm mang đậm nét văn hóa bản địa Tây nguyên, lại được trời phú cho nguồn tài nguyên thiên nhiên có một không hai, ly cà phê Buôn Mê Thuột vị đậm hương nồng, được hàng triệu người yêu cà phê Việt khắp nơi trên thế giới ưa thích.
Hiện trên bản đồ cà phê thế giới với hơn 75 quốc gia trồng cà phê, Việt Nam được xếp vị trí thứ 2 trong danh sách các nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới.
Nhật Huy
Ảnh: Vinacafé Buôn Mê Thuột