Cảnh sát thị trấn Fakfak, Tây Papua, cho hay thủy thủ trên tàu khai rằng đã nghe thấy tiếng động phát ra từ một chiếc thùng lớn, nơi nhốt 64 con vẹt đầu đen còn sống và 10 con khác đã chết vào sáng 19/11.
"Các thủy thủ thông báo cho chúng tôi vì nghi ngờ bên trong thùng chứa động vật khi nghe thấy tiếng động lạ", phát ngôn viên cảnh sát địa phương Dodik Junaidi cho hay.
Ông cho biết cảnh sát không bắt được nghi phạm nào, cũng không rõ điểm đến của những con chim này.

Cơ quan chức năng Indonesia thả hàng chục con vẹt khỏi chai nhựa sau khi phát hiện chúng trong con tàu cập cảng Fakfak, Tây Papua, hôm 19/11. Ảnh: AFP
Theo cơ quan giám sát buôn bán động vật hoang dã TRAFFIC, những khu rừng nguyên sinh rộng lớn tại Indonesia là nơi sinh sống của hơn 130 loài chim đang bị đe dọa, nhiều thứ hai thế giới sau Brazil.
Ở đây tồn tại một mạng lưới buôn bán chim trái phép quy mô lớn, đưa chim tới các chợ gia cầm ở những thành phố lớn tại Indonesia hay buôn lậu ra nước ngoài. Các loài chim quý hiếm thường bị săn bắt trộm và bán làm vật nuôi như một biểu tượng của địa vị và quyền lực. Một số loài như vẹt đuôi dài Australia có thể được bán với giá 30.000 USD trên thị trường chợ đen.
Năm 2017, nhà chức trách Indonesia từng phát hiện 125 con chim quý bị nhét trong ống thoát nước trong một cuộc truy quét buôn lậu động vật hoang dã.
Hồng Hạnh (Theo AFP)