Sáng ngày 1/10/2014, tại thôn Tiên Nhân Xung hẻo lánh ở miền núi tỉnh An Huy, Trung Quốc, sương mù trong rừng trúc còn chưa tan hết, tiếng còi xe cảnh sát càng ngày càng gần phá vỡ sự yên tĩnh trong thôn. Một tiếng trước ở đây vừa xảy ra án mạng. Người chết là chủ nhà, năm nay hơn 50 tuổi. Khi xảy ra chuyện thì trong nhà chỉ có bà và chồng.
Người chồng tên Vương kể rằng, sáng sớm hôm đó vợ mình thức dậy rất sớm, xuống bếp nấu cơm sáng. Ông ngủ tiếp đến lúc thấy trời sáng hẳn mà không thấy vợ gọi dậy nên thấy khác thường. Xuống bếp xem thì lửa còn chưa tắt hẳn, cơm đã chín, nhưng vợ lại bất tỉnh ở sàn.
Thấy thân thể vợ lạnh ngắt, ông vội vàng bế đưa vào phòng ngủ và gọi hàng xóm tới giúp đỡ. Một người hàng xóm nhìn thấy trên cổ bà lão có vết bóp cổ, cho rằng xảy ra án mạng nên lập tức báo cảnh sát.
Khi nhận được tin báo, cảnh sát cũng không thể phán đoán người chết tự tử, ốm chết hay bị giết. Còn chồng nạn nhân ban đầu cũng không nghĩ tới việc báo cảnh sát vì bà này thường xuyên đau ốm, bị đột tử cũng là chuyện bình thường. Nếu hàng xóm không báo cảnh sát, theo phong tục vùng này, ba ngày sau tang lễ sẽ được tổ chức.
Nhà chức trách xác định vợ chủ nhà đã chết, trên má và trên tay đều có vết cào, trên cổ có vết bóp. Trước khi chết nạn nhân phản kháng quyết liệt, có nghĩa không phải tự tử mà bị người khác sát hại. Kết quả khám nghiệm tử thi cũng chứng thực điều này.
Xương sườn nạn nhân bị gãy mười mấy chỗ. Việc này sẽ khiến lồng ngực bị ép lại, hô hấp khó khăn, cuối cùng dẫn đến ngạt thở mà chết. Từ vị trí gãy xương, cơ quan pháp y phán đoán có thể hung thủ đã ngồi lên ngực nạn nhân.
Nạn nhân không phải bị giết chết ngay lập tức, như vậy chắc chắn phải kêu cứu. Khi đó chồng bà nằm ngủ trong phòng cách đó 20 mét tại sao không nghe thấy? Người chồng giải thích bị nặng tai, hơn nữa ngủ rất say. Hàng xóm cũng xác nhận ông bị nghễnh ngãng, nhưng cảnh sát vẫn không thể loại bỏ nghi ngờ.
Một người hàng xóm cho biết buổi sáng bà dậy dọn chuồng lợn, nghe thấy nhà bên có tiếng kêu khàn khàn giống như bị bóp cổ. Bà nói với chồng nhưng ông cho rằng chỉ do vợ chồng người ta đánh nhau.
Lời khai của nhân chứng này đã thêm căn cứ về suy đoán người chết đã có quá trình chống cự khá dài. Trong thời gian này, chồng bà lại không nghe thấy gì, hơn nữa khi phát hiện vợ tử vong lại không bảo vệ hiện trường mà bế vào phòng ngủ, có thể coi là hành vi phá hoại hiện trường, hủy diệt bằng chứng. Vì thế cảnh sát quyết định tập trung điều tra vào chồng nạn nhân.
Qua hỏi thăm người trong thôn, cảnh sát được biết ông Vương trong thời gian làm thuê ở thành phố từng nghe điều tiếng về quan hệ của vợ với người đàn ông trong thôn. Vợ của người đàn ông này còn đến nhà và cãi nhau với vợ ông. Vì chuyện này, ông Vương không đi làm thuê nữa mà về nhà làm nghề nông.
Cảnh sát suy đoán, phải chăng ông Vương vẫn canh cánh trong lòng chuyện vợ ngoại tình, đến lúc mâu thuẫn gay gắt đã xảy ra án mạng? Suy đoán này xem ra rất hợp lí vì khi đó chỉ có hai vợ chồng ở nhà, ông Vương có cả thời gian phạm tội, điều kiện phạm tội và động cơ phạm tội. Tuy nhiên, cảnh sát không có bằng chứng vững chắc để xác thực.
Hiện trường đã bị phá hoại không tìm được đầu mối gì, cảnh sát đành phải một lần nữa chuyển hướng vào dấu vết thi thể. Khi xem xét lại thi thể, pháp y phát hiện trên áo có một vài sợi tóc, có sợi đã bạc, hơn nữa còn tương đối dài, có thể là của phụ nữ. Thời gian từ lúc nạn nhân ngủ dậy đến lúc bị sát hại khá ngắn, ngoài ông Vương thì chỉ có thể tiếp xúc với hung thủ. Từ vết thương trên má nạn nhân có thể thấy có sự chống cự, vậy những sợi tóc này có phải của hung thủ bị rụng hay không?
Từ các căn cứ đó, cảnh sát tập trung vào người phụ nữ họ Trần. Kết quả so sánh ADN cho thấy tóc trên người nạn nhân chính là của bà Trần - vợ của người đàn ông nghe đồn có tai tiếng với nạn nhân. Điều khiến mọi người kinh ngạc là bà Trần đã 64 tuổi.
Trước cơ quan điều tra, bà Trần khai nạn nhân đã có cảm tình với chồng bà từ hơn 20 năm trước, chỉ một năm sau khi kết hôn với ông Vương. Trên núi có nhiều tre trúc, mọi người trong thôn đều làm nghề gia công đồ tre mà sống. Chặt tre là việc nặng nhọc, chồng bà Trần thường xuyên đến giúp đỡ vợ chồng ông Vương, kể cả lúc ông Vương không có nhà... Mọi việc đều lọt vào mắt bà Trần, cơn ghen dữ dội không thể nào dập tắt.
Bẵng đi một thời gian, đến khi ông Vương ra thành phố làm thuê, trong thôn lại có tin đồn chồng bà có tình cảm với nạn nhân. Mặc dù chỉ là tin đồn chứ không có bằng chứng, bà Trần vẫn tìm đến nhà gây sự và đánh vợ ông Vương bị thương. Sau đó ông Vương về nhà gọi vợ chồng bà Trần sang yêu cầu bồi thường 2.600 nhân dân tệ. Nghĩ mình vừa mất tiền vừa mất chồng, sáng ngày 1/10, bà Trần dậy sớm từ khi mọi người còn đang ngủ, đi sang nhà ông Vương và bóp cổ tình địch rồi đi đường tắt qua rừng trúc về nhà.
Sau khi vụ án kết thúc song vẫn không có ai biết chồng bà Trần và vợ ông Vương thật sự có quan hệ bất chính với nhau hay không. Cảnh sát cũng nghiêng về giả thiết hai người chỉ là quan hệ hữu hảo giữa người cùng thôn, bởi vì người đáo để như bà Trần đã nghi ngờ hơn 20 năm mà vẫn không thể bắt quả tang một lần nào.