Chiều 13/6, Khoa phẫu thuật gây mê, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, có khoảng 30 người là người thân của các nạn nhân vụ tai nạn trước cổng chợ sáng cùng ngày.
Ngồi trước khu vực phẫu thuật, ông Đào Văn Minh, 50 tuổi, ở xã Đăk R'la, huyện Đăk Mil cứ thấp thỏm, lần nào cánh cửa phòng mở, ông lại chạy đến hỏi, "vợ tôi sao rồi". Ở bên trong, các bác sĩ đang phẫu thuật cho vợ ông - bà Nông Thị Tình (49 tuổi) trong tình trạng dập gan, phổi, chấn thương ở đầu.
Vợ chồng ông Minh mưu sinh bằng nghề làm và bán đậu phụ đã gần 6 năm nay. Gần đây, bà được người quen cho mượn chỗ ngồi bán trước cổng chợ 312. Khoảng 5h30 sáng mỗi ngày, ông chở vợ ra chợ - cách nhà hơn 800 m. Nhưng hôm nay ông có việc bận, bà Tình phải tự chở 6 kg đậu bằng xe máy.
Hơn 7h, ông Minh nhận được nhiều cuộc gọi từ người bạn, bảo "vợ mày bị tai nạn giao thông", rồi tắt máy. Trên đường chạy ra, ông thầm nghĩ giờ này vợ đang ngồi bán bên đường, không thể tai nạn được, chắc có sự nhầm lẫn gì.
Vừa tới nơi, ông thấy chỗ vợ mình chỉ còn đống đổ nát, có nhiều vết máu, thùng đậu phụ văng tung tóe, chiếc xe Dream của bà bị dồn vào một góc, nát bét. Xung quanh, hàng chục xe máy khác cũng nằm ngổn ngang, kéo dài trên đoạn đường vài trăm mét. "Họ chở con Tình đi cấp cứu rồi", vừa nghe người dân nói, ông Minh hốt hoảng chạy gần 70 km lên bệnh viện.
"Bán đậu một ngày lời 200-300 nghìn đồng, trong khi nuôi mẹ già 100 tuổi và lo cho hai đứa con. Giờ vợ bị thế, tôi không biết xoay xở thế nào", ông Minh nói, rồi chắp tay cầu nguyện cho vợ qua khỏi.
Đứng cạnh ông Minh, bé Hồ Thị Huyền Trang, 13 tuổi, xã Đăk R'la, mắt ngấn lệ khi có ai hỏi về tình trạng sức khỏe của mẹ mình - chị Huỳnh Thị Ngọc Thu, 33 tuổi. Mẹ Trang bị chấn thương sọ não, chấn thương vùng ngực và bụng, phải vào phòng phẫu thuật.
Sáng nay, chị Thu chở con gái đi học. Khi đến trước chợ, Trang (lớp 7) sực nhớ hôm nay có tiết kiểm tra, trong khi bút đã hết mực, em liền bảo mẹ ghé vào cửa hàng để mua bút. Vừa bước vào tiệm, Trang nghe tiếng "rầm, rầm" rất lớn, em quay ra thì thấy ôtô lao vụt tới chỗ mẹ đứng và hàng loạt xe máy trên vỉa hè.
Mẹ Trang bị ôtô tải tông văng ra xa, chiếc xe máy mắc kẹt dưới gầm. "Em chạy đến thì thấy mẹ bất tỉnh, máu me khắp người và chỉ biết òa khóc, cầu cứu mọi người xung quanh", Trang nhớ lại. Em đành bỏ buổi học theo mẹ lên bệnh viện. Hai đứa em gái của Trang (10 và 2 tuổi) phải gửi cho bà trông.
Trong lúc chị Thu đang phẫu thuật, chồng chị đang trên chuyến xe từ Bà Rịa - Vũng Tàu lên Đăk Lăk. Gia đình chị ít đất đai, chỉ có mảnh vườn sau nhà trồng cà phê và cây ăn quả. Chồng đi xuống Vũng Tàu lái xe tải ở cảng từ đầu năm, mỗi tháng gửi về nhà 2-3 triệu đồng để nuôi con ăn học. Những hôm Trang nghỉ học trông em, chị Thu phải đi làm thuê kiếm thêm thu nhập.
Nằm ở Khoa ngoại thần kinh, chị Lê Thị Hồng Phượng, 34 tuổi, là nạn nhân được đánh giá nhẹ nhất trong nhóm người bị nạn. Trên người chị có nhiều vết thương trầy xước, chị bị gãy xương vai phải và gãy chân trái, đã được băng bó. Thỉnh thoảng chị kêu nhức đầu, chóng mặt và rên lên thành tiếng vì đau đớn.
Chị Phượng chỉ nhớ mang máng, lúc đó đang dọn bánh mì lên tủ kính, bất ngờ xe tải lao tới cuốn chị vào gầm. Sau đó chị bất tỉnh, khi mở mắt ra đã thấy nằm tại bệnh viện. Nhà chị Phương làm bánh mì được 5 năm nay. Một tuần trước, em họ cho chị mượn tạm một chỗ trước nhà, gần chợ để bán.
Bác sĩ Nguyễn Quang Sơn, Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, hiện 5 phụ nữ vẫn trong tình trạng nặng, đang theo dõi. Trong đó, một ca đã chuyển vào TP HCM.
Cách hiện trường vụ tai nạn gần một km, chiều nay, con đường dẫn vào xã Đăk R'la xuất hiện vài cái cờ tang treo ở đầu ngõ. Trong căn nhà cấp bốn ở thôn 5 có khoảng 50 người đến thắp cho bà Lê Thị Thoan, 44 tuổi, nén nhang tiễn biệt.
Chồng bà Thoan sau khi hay tin vợ mất, ngất xỉu nằm trong phòng, phải có người chăm sóc. Anh Lê Văn Tiền (em chồng bà Thoan) đứng trước cửa, tiếp chuyện với họ hàng thân thích đến chia buồn.
Anh Tiền cho biết, thường ngày, bà Thoan bán quần áo trong chợ. Lúc tai nạn, bà đang qua đường thì bị xe tải tông chết. Trên vỉa hè, trước cổng chợ, hàng hóa bay tung tóe, xe máy và ôtô tải đè lên người nhiều tiểu thương. "Các con chị ấy làm ăn xa, vừa gọi về dặn phải đợi chúng về thấy mặt mẹ lần cuối", anh Tiền nói.
Đánh giá nguyên nhân vụ tai nạn, ông Trương Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông cho rằng, lỗi trực tiếp do xe tải nhưng nếu người dân buôn bán không lấn chiếm lòng lề đường thì hậu quả có thể sẽ không lớn. Ông Tùng đã phê bình lãnh đạo UBND huyện Đăk Mil.
Trong khi đó, ông Trần Văn Thương, Chủ tịch UBND huyện Đăk Mil, cho biết trước khi xảy ra vụ tai nạn một tuần địa phương phối hợp với Ban an toàn giao thông tỉnh kiểm tra xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đề đường khu vực chợ 312.
Khi kiểm tra, các tiểu thương lấn chiếm hai bên đường phản ứng, chửi lực lượng chức năng. "Khu vực này có chợ nhưng các tiểu thương không muốn vào trong mà bán ngay lề đường. Sắp tới địa phương sẽ kẻ vạch chỉ giới dành cho khu vực buôn bán", ông Thương nói.
Sáng 13/6, tài xế Ngô Văn Bền, 27 tuổi, quê Cà Mau, lái ôtô tải chở phân bón chạy trên quốc lộ 14, từ hướng Đăk Nông đi Đăk Lăk. Khi đến chợ 312, xã Đăk R'La, huyện Đăk Mil, xe đâm vào hông container. Ôtô tải chạy thêm 300 m, húc hai ôtô tải nhỏ chạy cùng chiều văng vào lề, đè 13 xe máy, làm 5 phụ nữ chết, 5 người bị thương.
Theo Công an huyện Đăk Mil, tài xế Bền không có nồng độ cồn trong máu, âm tính ma túy, đang bị tạm giữ. Bền khai lúc đó chạy tốc độ 50 km/h, khi phát hiện mất phanh định đâm vào đuôi xe phía trước nhưng bất thành.