Hà Nội trở lạnh trong ngày đầu tháng 11, nhưng phòng họp của Bảo tàng Phụ nữ, nơi ra mắt hai tập thơ Tổ quốc nhìn từ biển và Hoa hồng không vỡ toát lên sự ấm cúng. Đông đảo gương mặt thi ca, văn học cùng tới chúc mừng thi sĩ "Tổ quốc và biển cả".
Nguyễn Việt Chiến ngoài viết báo còn là tác giả của những bài thơ tâm huyết về biển đảo, Tổ quốc - được tập hợp trong cuốn Tổ quốc nhìn từ biển. Đây là những bài viết ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc cả nước như Tổ quốc nhìn từ biển, Tổ quốc là tiếng mẹ, Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra, Tổ quốc bên bờ biển cả... Nhiều bài thơ của Nguyễn Việt Chiến được phổ nhạc. Trong tập xuất hiện một số thể nghiệm mới về thể loại truyện ngắn - thơ (truyện ngắn kết hợp thơ) như: Gặp Nguyễn Du trên sông đêm, Sự nổi loạn của tranh...
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo chia sẻ: "Tôi cảm giác Nguyễn Việt Chiến 'lên đồng' với chủ đề về Tổ quốc, tình yêu đất nước. Mỗi bài một cảm xúc, cái thì tinh tế, cái thì hào hùng... Hình như sự 'lên đồng' của anh cũng quá mạnh mẽ, vì thế anh in thêm tập Hoa hồng không vỡ đầy tính dịu dàng... Hai tập như một cặp phạm trù nhưng không đối lập nhau".
Hoa hồng không vỡ cho thấy Nguyễn Việt Chiến là cây thơ tình nồng nàn, đắm đuối bên cạnh tác giả của thể loại chính sự. Anh tâm sự: "Trong cuộc đời thi sĩ, mỗi người đẹp đi qua đều để lại một câu chuyện tình thú vị. Tôi nâng niu những kỷ niệm về họ trong ký ức đầy sóng gió của cuộc đời. Họ là một phần quan trọng trong tài sản tinh thần thi ca của tôi". Nguyễn Việt Chiến truyền tải tinh thần đó thành tứ thơ lãng mạn, day dứt qua: Cát đợi, Mùa thu không trở lại, Hoa hồng không vỡ, Có một người bị ướt thức trong ta, Để nhớ về em...
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm bày tỏ sự xúc động: "Sự ra đời của hai tập thơ này như một nguồn nước mát với tôi. Gần đây có những chuyện xảy ra, kể cả ồn ào trong thơ ca, khiến tôi buồn phiền. Nhưng hôm nay tới đây, gặp các bạn, tôi thấy được an ủi, thấy nhà thơ được quan tâm, yêu thương nhiều quá".
"Bác sĩ hoa súng" nói thêm ông đến dự buổi họp là để chiêm ngưỡng những người thơ . Đó là: Trần Đăng Khoa, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Văn Thọ, Hữu Ước, Đặng Vương Hưng... Các nhà phê bình, giới nghiên cứu văn chương cũng hội ngộ, gồm Văn Chinh, Lưu Khánh Thơ, Nguyễn Thị Minh Thái, Ngô Thảo... Từ miền Nam, nhà văn Nguyễn Quang Lập cũng ra Hà Nội để dự buổi ra mắt.
Nhà thơ Bằng Việt nói: "Tôi về đây để được sống trong không khí thơ ca ấm áp. Về đây tôi được bao bọc trong một buổi họp mặt thân tình".
Trong buổi họp, nhà văn Nguyễn Văn Thọ xúc động khi nhớ về tình bạn giữa bốn người: cố nhà thơ Bế Kiến Quốc, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Việt Chiến, họa sĩ Thành Chương. Tác giả của Quyên nhận xét bạn mình là một người có tâm hồn thi sĩ, một người thơ khi luôn rung động và đưa ra những vần thơ trước cái đẹp. Trong niềm rưng rưng, ông đọc một bài thơ trữ tình của Nguyễn Việt Chiến.
Trước những lời chia sẻ tình cảm của bạn bè, đồng nghiệp, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến không giấu được niềm vui và sự xúc động. Ông kể hai tập thơ ra đời là một mối duyên, chứ không chỉ xuất phát từ việc phát hành sách. Cách đây hai tháng, bà Khúc Thị Hoa Phượng - Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ Nữ - gọi điện cho nhà thơ, nói rằng thời sinh viên bà rất thích những vần thơ tình Nguyễn Việt Chiến và đề nghị tác giả gom thơ để xuất bản. Dù đã in tới sáu, bảy tập, Nguyễn Việt Chiến vẫn lựa chọn trong gia tài những tác phẩm hay nhất để in.
Với Nguyễn Việt Chiến, hai tập thơ ra đời như một kỷ niệm trong cuộc đời sáng tác và buổi ra mắt cũng để lại trong lòng ông ngọn lửa ấm. "Trước đây tôi nghĩ 'thơ hay' như một tấm gương, soi vào đó thấy cuộc đời mình hiện lên. Nhưng giờ tôi nghĩ 'thơ hay' phải đánh thức con người, không phải ở góc độ mỹ học mà là chiêm nghiệm nỗi đau, chia sẻ với con người những mất mát, hạnh phúc. Tôi rất thích lời nói của một nhà thơ nước ngoài, đại ý 'thơ là nền nghệ thuật chia sẻ với con người'", Việt Chiến nói.
Lam Thu