Trên quầy hàng hoa quả trong các siêu thị lớn ở Hà Lan, Nga, Hong Kong, Philippines... gần đây xuất hiện nhãn hiệu mới Wildboi (hoang dại) của công ty Fruit Republic, với chú thích là loại bưởi xuất xứ từ Việt Nam và có hương vị ngon nhất châu Á.
Siebe van Wijk, Giám đốc công ty Fruit Republic, giải thích: “Cái tên này có chút đùa giỡn. Khi đến các trang trại trồng bưởi Năm Roi ở miền Tây Việt Nam, bạn sẽ thấy trông giống… rừng hơn là vườn ăn trái do nông dân trồng cây chen cây, cành chen cành khiến cả vườn um tùm rậm rạp, vỏ bưởi xù xì”. Wildboi là thương hiệu đầu tiên của bưởi Năm Roi đặc sản Việt Nam và được đăng ký bản quyền trên toàn cầu.
Sở hữu vườn bưởi rộng 1,6ha, ông Nguyễn Văn Tâm (tổ 4, ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Hoà, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) cho biết, những cây bưởi bình thường ở đây có thể thu hoạch năm lượt một năm, thay vì hai lượt vào tháng 8 và dịp tết như thường lệ. Từ đầu năm đến nay, gia đình ông Tâm thu hoạch hai lượt, mỗi lần khoảng 4 – 5 tấn. Ước tính, ba lượt thu từ nay tới cuối năm mang về 200 triệu đồng. Theo ông Tâm, nếu trừ các chi phí như phân bón, thuốc trừ sâu thì còn lãi 160 triệu, cao hơn 33% so với trước.
Hồi năm 2011, ông Tâm ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với công ty Fruit Republic (Hà Lan). Sau thời gian thực hiện, gia đình ông là một trong số 100 hộ đạt tiêu chuẩn Global Gap trong tổng số 250 hộ ở ba tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang và Sóc Trăng ký hợp đồng với Fruit Republic. Hiện có 250 hộ khác đang chờ ký hợp đồng.
Theo quy trình do Fruit Republic đưa ra, các hộ phải xây hố tiêu tự hoại, có kho chứa thuốc trừ sâu. Hàng ngày, vườn trồng phải được cắt tỉa, dọn sạch để tránh sâu bệnh. Các hộ phải hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bưởi bị hư thì thu gom, rồi chôn xuống hố. Cán bộ kỹ thuật của Fruit Republic thường xuyên thăm vườn, hướng dẫn cắt tỉa cành và xử lý hoa để bưởi có thể ra trái hơn hai vụ một năm. Chiều cao của cây cũng được xử lý dần dần, hạ từ 6m xuống còn 2m để sai quả hơn.
Theo hợp đồng bao tiêu, công ty Fruit Republic cho người đến hái, phân loại và thu mua toàn bộ bưởi trong vườn. Ông Huỳnh Công Trực ở ấp Phú Trí A, xã Minh Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho biết: “Điều này khác hẳn với trước đây. Thương lái thường thu mua bưởi theo mớ, có lúc bán được 30.000 đồng một chục, hoặc họ mua đứt cả vườn”. Ông Trực nói thêm: “Thương lái lắm khi ép giá dữ lắm, nhưng mình cũng đành chịu”. Những người không bán cho thương lái như ông Tâm thì đến mùa thu hoạch phải thuê thợ đến hái bưởi, tìm đầu ra ở TP HCM nhưng phải chi tiền đóng thùng, vận chuyển, chia hoa hồng môi giới. Làm túi bụi mà tính lại chẳng còn bao nhiêu.
Siebe van Wijk, Giám đốc công ty Fruit Republic, nhắc nhiều đến chữ “trung thành” (loyalty) giữa công ty và người nông dân. Cả hai cần phải thực sự cam kết với nhau lâu dài, đảm bảo lợi ích cho cả hai và công việc đó không thể làm vội vàng. Ảnh minh họa. |
Ông Tâm nói: “Tôi nghĩ nếu giá bưởi giữ được như hiện nay, được bao tiêu hết như Fruit Republic đang làm thì nông dân sẽ trở nên khá hơn, không bấp bênh như trước kia”.
Đặt mình vào vai trò khách hàng, Siebe thấy người tiêu dùng châu Âu ngại mua bưởi Năm Roi do vỏ có khi xù xì, mất công gọt, bóc. Siebe nảy ra ý định lập nhà bóc tách và đóng gói bưởi. Trong tổng vốn đầu tư 785.000 USD xây dựng nhà bóc tách và đóng gói theo chứng chỉ HACCP tại Cần Thơ, Siebe nhận được khoản hỗ trợ 250.000 USD từ quỹ Thách thức Việt Nam (VCF), một hợp phần của dự án “Tạo thị trường tốt hơn cho người nghèo”, giai đoạn 2 do bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh (DFID) tài trợ, và được quản lý bởi ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Từ tháng 7, nhà bóc tách được đưa vào khai thác.
Là một đầu mối nhập khẩu trái cây ở Hà Lan, Siebe nhận thấy, lượng bưởi nhập khẩu khá lớn từ Trung Quốc nhưng không có bưởi ngon từ Việt Nam. Ông Siebe nói: “Mọi người cần phải được nếm hương vị này”. Nhà kinh doanh người Hà Lan này vẽ một bức tranh khác về trái bưởi Năm Roi. Theo ông, Việt Nam có 40.000ha trồng bưởi, còn Trung Quốc là 50.000ha. Chỉ nhỉnh hơn không nhiều về diện tích, nhưng Trung Quốc là nhà xuất khẩu bưởi thuộc loại lớn trên thế giới. Nhận thấy bưởi của Trung Quốc chỉ thu hoạch một vụ từ tháng 9 – 12, nên ông Siebe nghĩ tới thu hoạch nhiều lượt trong năm để tạo lợi thế riêng.
Hiện nay, mỗi tháng Fruit Republic xuất khẩu khoảng 20 containner bưởi Năm Roi và bưởi da xanh, với tổng khối lượng 20 tấn một container. Tiêu thụ trên thị trường nội địa con số tương đương. Nhãn hiệu Meko Star, với hình cô gái Việt đội nón, là thương hiệu bưởi Năm Roi dành cho thị trường Việt Nam. Tại chợ đầu mối Long Biên, Meko Star được phân phối tới các siêu thị lớn tại Hà Nội.
Trong câu chuyện của Siebe, ông nhắc nhiều đến chữ “trung thành” (loyalty) giữa công ty và người nông dân. Cả hai cần phải thực sự cam kết với nhau lâu dài, đảm bảo lợi ích cho cả hai và công việc đó không thể làm vội vàng.
Từ mô hình như Fruit Republic hay cánh đồng mẫu lớn trồng lúa xuất khẩu, con đường dựng nên từ cách làm gắn kết lợi ích của người trồng và doanh nghiệp xuất khẩu, giá trị xuất khẩu của sản phẩm sẽ được nâng cao và có tính bền vững hơn.
Trồng bưởi da xanh lãi hơn 200 triệu đồng
Trái cây Việt bán chạy ở nước ngoài
(Theo Sài Gòn tiếp thị)