11h50, trống trường vang lên, Đào Mạnh Đức cùng hàng trăm học sinh THCS và THPT Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm) theo hiệu lệnh phát ra từ loa, lần lượt xuống sân để ra về. "Quá lâu rồi, em mới nghe lại tiếng trống trường và tiếng loa vang vọng khắp các dãy nhà như vậy", Đức nói.
Từ lớp 9 chuyển lên lớp 10 cùng trường liên cấp, tưởng chừng Đức không gặp phải quá nhiều điều lạ lẫm. Thế nhưng, không gian lớp học đến thầy cô, bạn bè đều khiến em thấy "khác". Bước vào lớp, Đức ngạc nhiên khi phòng học mới to đẹp hơn phòng cũ với chiếc máy chiếu hiện đại và tấm bảng chia hai phần có thể kéo lên, kéo xuống được.
Trong bộ đồ "freestyle" (phong cách tự do) vì không còn mặc vừa đồng phục lớp 9 còn đồng phục mới chưa được phát, Đức ngó nghiêng quanh lớp để điểm mặt các bạn. Chỉ hai trong số 34 bạn từng học cùng Đức ở bậc THCS. Với số còn lại, dù học online với nhau đã sáu tháng, Đức chưa thể nhớ mặt tất cả. Không chỉ Đức, thầy cô cũng chưa thể nhận mặt toàn bộ học sinh trong lớp nên luôn phải khư khư trên tay sơ đồ chuẩn bị từ trước để tiện ghi nhớ và gọi tên các em.
Buổi học đầu tiên kéo dài 5 tiết nhưng với Đức, nó khá nhẹ nhàng bởi thầy cô dành thời gian làm quen, ôn tập bài cũ. Dù đã quen nếp học online và vẫn lo lắng về dịch bệnh, Đức hy vọng được đến trường thường xuyên, không phải rơi vào tình trạng học được 1-2 tuần lại chuyển trạng thái sang trực tuyến.
UBND Hà Nội quyết định cho học sinh lớp 7 đến 12 tại những khu vực dịch cấp độ 1 và 2 được học tập trung từ 8/2. Trừ lớp 9 ở ngoại thành và lớp 12 được học trực tiếp từ cuối năm ngoái, hôm nay là buổi đến trường đầu tiên của hơn 500.000 học sinh phổ thông còn lại sau hơn 9 tháng ở nhà.
Phải dậy từ 6h, sớm hơn mọi ngày gần hai tiếng để kịp di chuyển 7 km từ nhà đến trường, Nguyễn Tường Vy, học sinh lớp 9 trường Lômônôxốp, vẫn thấy hào hứng. "Sau khi học trực tiếp buổi sáng, em cảm giác như mọi sự thiếu hụt suốt những tháng qua được bù đắp. Em đã quá chán học online. Đi học thế này vui hơn, lại tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn", Vy chia sẻ.
Sáng nay, nữ sinh lớp 9 trải qua hai tiết Toán cùng cô chủ nhiệm và ba tiết OEA - tiếng Anh với giáo viên nước ngoài. Được trò chuyện trực tiếp, chỗ nào không hiểu có thể hỏi ngay bạn bên cạnh hay nhờ trợ giúp từ cô giáo, Vy thấy việc học dễ dàng hơn nhiều so với giai đoạn ngồi lẻ loi trong phòng với chiếc máy tính.
Cũng là học sinh lớp 10, Lại Thúy Thuý, trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy), cảm thấy mới mẻ trong buổi đầu học trực tiếp với những người bạn vốn chỉ nhìn nhau qua màn hình. "Lúc đầu, em còn bỡ ngỡ, phải mất một lúc mới nhận ra hết các bạn vì ai cũng đeo khẩu trang. Buổi học chung đầu tiên hơi lạ lẫm nhưng rất vui", Thúy nói.
Để học sinh không gặp khó khăn trong việc tìm vị trí lớp, trước ngày đi học, ban giám hiệu THPT Yên Hòa đã gửi sơ đồ lớp học cho các em. Trải qua các tiết học, Thúy thích nhất mỗi lúc nghỉ giải lao 5-10 phút. Em có thể qua chỗ các bạn nói chuyện, chia sẻ nhiều thứ, điều mà "học trực tuyến không thể làm được".
Cùng lớp với Thúy, Nguyễn Ngọc Diệp thích thú khi được nhận lì xì từ giáo viên chủ nhiệm và ban phụ huynh trong buổi đầu đến trường. "Dù trời mưa và rất lạnh, các cô chú vẫn quan tâm và đến tận trường chúc mừng năm mới. Em rất bất ngờ về món quà này", Diệp nói.
Tại THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (quận Đống Đa), trong giờ truy bài trước khi bước vào tiết học đầu tiên, Phúc Thành, học sinh lớp 11A2, được nhận áo đồng phục. Cầm trên tay chiếc áo thun màu hồng, in tên lớp ở ngực trái, nam sinh không giấu nổi niềm vui.
Theo quy định của trường, dưới 15 độ C, học sinh không bắt buộc mặc đồng phục. Nhưng Thành cho biết vì đã học trực tuyến quá lâu nên trong ngày đầu tiên đến trường, em và nhiều bạn khác vẫn mặc đồng phục.
Tại lớp 11D4, trường Phan Huy Chú bố trí thiết bị để cho 5 học sinh diện F1 được học trực tuyến. Những học sinh này phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà ít nhất 7 ngày, sau đó xét nghiệm âm tính mới được đến trường. Do đó, trường áp dụng song song cả hai hình thức học trực tuyến và trực tiếp, đảm bảo kiến thức cho học sinh.
Trong buổi kiểm tra sáng nay tại trường THCS Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND Hà Nội, chia sẻ, để cho khoảng 600.000 học sinh đến trường hôm nay, thành phố đã trải qua một chặng đường dài chuẩn bị, từ việc lên kế hoạch, ra quyết định, diễn tập phòng, chống các tình huống cũng như lấy ý kiến và ghi nhận sự đồng thuận của phụ huynh.
Lãnh đạo thủ đô nhận định, việc cho học sinh trở lại "rất yên tâm" nhờ tình hình kiểm soát dịch của toàn thành phố. Cụ thể, hơn 96% người nhiễm bệnh ở mức nhẹ, số chuyển nặng và tử vong chỉ 0,26%. "Chúng ta vẫn phải hạn chế tối đa con số này, nhưng so với cả nước, tỷ lệ F0 nặng của Hà Nội ở mức thấp", ông Ngọc Anh nói. Số người tuổi cao, có bệnh nền và chưa tiêm vaccine giảm từ hơn 117.000 trong tháng trước xuống 216 người ngày 7/2. Do đó, ông Ngọc Anh đánh giá "một cách tổng thể là yên tâm".
Dựa trên kết quả khi cho học sinh lớp 7-12 và 1-6 (ngoại thành) trở lại trường, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ đề xuất cho học sinh tiểu học và lớp 6 ở các quận nội thành học trực tiếp, dự kiến từ 21/2, sau đó tiếp tục cho trẻ mầm non đến trường.
Thanh Hằng - Dương Tâm