Cụ thể, trong sản xuất, doanh nghiệp sử dụng nhiệt năng đến từ nguồn nguyên liệu sinh khối tại tất cả nhà máy và toàn bộ điện năng được đảm bảo bởi các chứng chỉ Thuộc tính năng lượng (EACs) từ các dự án điện mặt trời được công nhận tại Việt Nam.
Trong năm 2023, đơn vị công bố Heineken - một trong những nhãn hiệu cao cấp của doanh nghiệp, sản xuất bằng 100% năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Việt Nam là thị trường thứ ba đạt được thành tựu này chỉ sau Hà Lan và Brazil.
Đại diện Heineken Việt Nam cho biết, với cam kết đồng hành cùng mục tiêu phát triển bền vững của Chính phủ, doanh nghiệp sẽ tiếp tục hướng đến những giải pháp điện năng tái tạo như cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) và hệ thống điện mặt trời áp mái.
Nhờ áp dụng tối đa kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, doanh nghiệp không còn chất thải chôn lấp tại tất cả nhà máy bia. Toàn bộ phụ và phế phẩm trong quá trình sản xuất đều được tái chế, tái sử dụng hoặc biến thành sản phẩm có giá trị cao hơn để đưa vào chuỗi giá trị khác. Trong đó, bã hèm và bã men dùng làm thức ăn chăn nuôi. Bùn thải sau quá trình xử lý nước thải xử lý thành phân bón và đất sạch. Riêng tại nhà máy Vũng Tàu, khí sinh học sinh ra trong quá trình xử lý nước thải được thu hồi và sử dụng làm nhiệt năng cho quá trình nấu bia.
Thông qua những nỗ lực trên, trong năm 2023 Heineken Việt Nam ghi nhận giảm 93% phát thải CO2 trong sản xuất so với năm 2018. "Đây là một cột mốc quan trọng trên hành trình đạt tham vọng Net Zero trong sản xuất vào năm 2030 của doanh nghiệp", đại diện doanh nghiệp nói.
Chuỗi giá trị là nơi chiếm đến hơn 90% lượng phát thải của Heineken Việt Nam. Vì thế, doanh nghiệp tăng cường hợp tác và hỗ trợ các nhà cung cấp xây dựng lộ trình giảm phát thải, tăng cường áp dụng kinh tế tuần hoàn, triển khai những sáng kiến giúp giảm khai thác và sử dụng tài nguyên.
Chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững 2024 ngày 10/9 vừa qua, ông Nguyễn Hữu Hoàng - Trưởng bộ phận Phát triển bền vững tại Heineken Việt Nam cho biết doanh nghiệp đang hỗ trợ các nhà cung cấp bao bì đặt ra các mục tiêu, kế hoạch giảm phát thải dựa trên cơ sở khoa học. Doanh nghiệp đồng thời đạt tỷ lệ tái sử dụng các loại bao bì là 97% cho chai thủy tinh và 99% cho két nhựa.
Với lon nhôm và thùng carton, Heineken Việt Nam cũng hợp tác với các nhà cung cấp và nhà tái chế cho dự án tuần hoàn tái chế Lon-thành-Lon. Đơn vị hướng đến mục tiêu khép kín vòng tuần hoàn của bao bì, tăng tỷ lệ sử dụng vật liệu tái chế trong bao bì.
Qua đó, doanh nghiệp tuân thủ quy định EPR (Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất - Extended Producer Responsibility, trong lĩnh vực môi trường), và tiếp tục truyền cảm hứng cho các đối tác và cộng đồng doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Heineken Việt Nam cũng không ngừng tối ưu và đổi mới sáng tạo trong khâu làm lạnh và kho vận, bao gồm việc sử dụng hoàn toàn tủ lạnh phát thải thấp, sử dụng toàn bộ xe nâng chạy bằng điện.
Ông Hoàng cho biết thêm, phần đo đạc - kiểm kê - báo cáo cũng đóng vai trò quan trọng để doanh nghiệp đánh giá hiệu quả thực hiện và điều chỉnh chiến lược phù hợp. Theo đó, doanh nghiệp đã phát triển công cụ nội bộ để thu thập, đo lường và báo cáo tổng lượng khí thải được tạo ra trong sản xuất cũng như trên toàn bộ chuỗi giá trị, dựa trên nghị định thư về khí nhà kính.
Đại diện bộ phận phát triển bền vững của Heineken Việt Nam cho biết, bên cạnh những thành tựu trên, hành trình hướng đến mục tiêu đạt Net Zero trong toàn bộ chuỗi giá trị vào năm 2040 của doanh nghiệp đang đối mặt với một số thách thức. Đơn cử như hạn chế trong việc tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo cho các doanh nghiệp đối tác, hay cơ sở hạ tầng cho tái chế tại Việt Nam vẫn chưa đầy đủ và sẵn sàng dù cơ chế EPR đã đi vào hoạt động.
Ông khẳng định, với kinh nghiệm quốc tế dày dặn, đơn vị sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp nhằm tìm ra những giải pháp chung phù hợp. Các giải pháp nhằm góp phần phát huy tiềm năng của thị trường năng lượng tái tạo và nền kinh tế tuần hoàn của Việt Nam, thúc đẩy lộ trình Net Zero.
Hoàng Anh