Trong một tác phẩm viết cho tuổi teen của một nhà văn nổi tiếng ở Việt Nam, có một tình tiết như thế này: Cậu bé (nhân vật chính) có một đứa bạn nhà làm nghề bán thuốc Bắc. Trong tủ thuốc có vị thuốc táo tàu mà cậu bé rất thích.
Một lần, đến nhà bạn chơi, thấy trong cửa hàng thuốc không có ai cả, cậu bé nọ không kìm được sự thèm muốn đã lén bắc ghế trèo lên ô thuốc trên cao định lấy trộm vài quả táo tàu. Không may, chiếc ghế đổ ầm một tiếng, em vội vàng chạy trốn khỏi nhà bạn vì sợ bị phát hiện.
Hai ngày sau, cậu lại đến “hiện trường vụ án” để xem tình hình thế nào. Em sợ sẽ bị bêu danh là kẻ ăn cắp, nhưng thật kỳ lạ, mọi người vẫn đối xử với cậu bình thường. Qua vụ việc này, cậu bé thay đổi hẳn thói quen “ăn vụng” của mình. Sau đó ô thuốc chứa táo tàu đã được “ai đó” chuyển xuống tầng thấp nhất của tủ thuốc, vừa tầm đứng của cậu mà không hề khó để với tới. Lúc ấy, cậu hiểu rằng ai đó không muốn cậu bị thương tật chỉ vì vài quả táo.
Trong tác phẩm “Những người cùng khổ” của nhà văn Victor Hugo có nhân vật Jean Valjean - một tù nhân mới mãn hạn tù với thẻ thông hành màu vàng là loại thẻ đánh dấu người đã có tiền án. Với thẻ thông hành đó Jean đã gặp phải rất nhiều khó khăn khi hòa nhập vào xã hội.
Thương tình Jean phải sống vạ vật ngoài đường, Giám mục Myriel đã cho anh ta được ngủ đêm trong nhà xứ, nơi có khá nhiều đồ đạc quý giá. Quá túng quẫn, Jean đã lấy đánh cắp một số vật dụng bằng bạc của vị Giám mục và trốn đi. Không may, anh ta bị cảnh sát bắt được với tang chứng vật chứng rành rành.
Ấy vậy mà khi được mời đến gặp cảnh sát, Giám mục Myriel đã xác nhận Jean không hề trộm cắp, mọi tang chứng vật chứng là quà tặng của ông ta cho Jean. Khi chia tay, vị Giám mục già nói với Jean rằng anh nhất định phải trở thành một người lương thiện và làm nhiều việc tốt cho mọi người. Suốt quãng đời sau này Jean đã là một người hết sức lương thiện, thậm chí trở thành một quý ông đáng kính của một thành phố.
Hai câu truyện trên khiến nhiều nhà giáo dục tự hỏi: "Điều gì sẽ xảy ra với cuộc đời của cậu bé và Jean Valjean nếu cả 2 bị “trừng phạt một cách thích đáng” với hành động ăn cắp của mình? Liệu rằng cả 2 có thể trở thành người tốt không, nếu họ bị đối xử đúng như suy nghĩ của mọi người thường làm trong trường hợp đó?"
Mấy ngày nay, trên mạng xã hội, trên phương tiện thông tin truyền thông đang dậy sóng với trường hợp một cô bé học sinh tuổi teen bị bắt buộc đeo bảng nêu rõ tội danh ăn cắp trong siêu thị ở Tây Nguyên.
Xét về mặt lý trí, hành vi ăn cắp của cô bé (dù tang vật chỉ có 2 quyển truyện trị giá 20.000 đồng) là một hành vi không thể chấp nhận được. Đặc biệt hành vi này lại xảy ra trong thời điểm hình ảnh Việt Nam đang xấu đi vì những hành vi trộm cắp của người Việt ở các siêu thị nước ngoài. Tất nhiên, rất nhiều người đã cho rằng, cần phải có cách xử phạt nghiệm khắc cô bé đó để đảm bảo nữ sinh đó không bao giờ dám tái phạm.
Suy nghĩ như trên không hề sai, vì ai cũng biết câu thành ngữ “Không nên coi thường chuyện nhỏ, vì lỗ nhỏ làm đắm tàu”. Rõ ràng, cô bé đó xứng đáng chịu hình thức xử lý như vậy vì em đã “phạm pháp quả tang”, giống như kiểu người dân bắt được một tên ăn trộm, trói tay và giong đi giữa phố trước khi giao cho công an xử lý.
Chắc chắn, sau lần bị xử phạt như thế, cô bé sẽ không bao giờ dám thực hiện lại hành vi ăn cắp như thế nếu cô bé là người biết tôn trọng chính bản thân mình. Tuy nhiên trong trường hợp ngược lại, nếu nữ sinh ấy với tâm trạng “chẳng còn gì để mất”, khả năng những người lớn đang tạo ra một tội phạm tiềm tàng cho xã hội tương lại là rõ ràng, và lúc đó xã hội lại thêm một mối lo.
Bản thân tôi suy xét việc này nhìn dưới khía cạnh giáo dục, nếu nói về mặt "tình con người" thì người lớn chúng ta có nên thực hiện điều đó với một cô bé tuổi 14 hay không? Nhân viên bảo vệ và lãnh đạo siêu thị đó và mỗi người chúng ta thử đặt mình vào vị trí của cô bé, bị đeo bảng, bị trói tay vào một hành lang để mọi người qua lại "chiêm ngưỡng dung nhan", liệu rằng người lớn có chịu nổi áp lực của sự bêu riếu như thế không? Và rồi sau một tiếng đồng hồ bị bêu rếu như thế, tâm hồn cô bé sẽ bị tổn thương như thế nào?
Rõ ràng, từ thời điểm đó trở đi, dù thế nào chăng nữa, trong mắt bạn bè, cô bé đã có một nick name “con ăn cắp”. Chắc chắn rằng từ đó về sau mỗi khi trong lớp hay trong trường xảy ra một chuyện mất mát gì đó, cô bé sẽ là người bị nghi vấn đầu tiên. Ai trong số những người lớn có thể sống nổi với sự nghi ngờ như thế, huông gì đây lại là một cô bé tuổi 14. Chưa kể là từ giờ phút này trở đi, cô bé đã tự nhiên trở thành “hot girl” trong mắt mọi người xung quanh, đi tới đâu cũng sẽ có những ánh mắt, những lời xầm xì to nhỏ về mình.
Tất cả những điều đó, sẽ đẩy cô bé dần dần đi vào trạng thái né tránh mọi người, ngại giao tiếp, sống khép kín và khả năng xấu nhất sẽ dẫn đến tự kỷ. Mặt khác, đôi khi, thái độ cố gắng tỏ ra hết sức bình thường, tỏ ra không hề quan tâm đến chuyện đã xảy ra còn làm cho cô bé khiếp sợ hơn nữa.
Có thể khi thực hiện việc bêu riếu cô bé, người thực hiện chỉ muốn thỏa mãn sự tức giận của mình, chỉ muốn tạo ra một biểu tượng có tính chất cảnh báo đối với các bạn trẻ khác. Song họ hoàn toàn không hề nghĩ rằng họ đang gián tiếp và từ từ giết chết một con người cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ "giết". Và quan trọng hơn cả, họ cũng không hể biết rằng mình đang vi phạm pháp luật về tội làm nhục người khác.
Với cô bé, dù sao sự việc cũng đã xảy ra và không thể thay đổi được. Cách tốt nhất cho cô bé lúc này không phải là những lời chia sẻ, những phân tích đúng sai của sự việc, những lên án hành vi của siêu thị kèm theo hình ảnh minh họa của cô bé. Xin mọi người hãy yên lặng để cô bé được lãng quên, không “bỗng dưng nổi tiếng” như lúc này. Xin đừng khuấy động sự việc nữa. Và điều cần làm nhất với cô bé lúc này đòi hòi sự chung tay của gia đình hoặc tổ chức xã hội – hãy cho nữ sinh ấy được một cơ hội chuyển đến một nơi xa nào đó, không ai biết em là ai để em có được những tháng ngày bình yên tiếp tục học hành và rèn luyện trở thành người có ích cho đời.
Vấp ngã là điều không ai muốn trong cuộc đời, nhưng điều cần hơn cả là những bàn tay bao dung chìa ra để nâng đỡ người vấp ngã đứng lên, thay vì một đám đông chỉ đứng vây quanh bàn tán, lên án mô đất làm cho người ta vấp mà quên đi việc giúp đỡ người vấp té đứng lên.
Phạm Phúc Thịnh