Ông Cường, 54 tuổi, trú xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, từng bén duyên với nghề nuôi tôm vào năm 2002. Nhưng thời điểm đó vốn ít, chưa nắm được kỹ thuật, ông bỏ 60 triệu đồng thuê một hecta đất nuôi tôm sú bán thâm canh song thất bại. Năm 2005, ông chuyển hướng thành lập công ty xây dựng và nhanh chóng trở thành chủ thầu có tiếng, được thuê làm các công trình lớn trên địa bàn như nhà ở cao tầng, trường học, trạm y tế, khu du lịch ven biển...
Dù làm chủ, ông Cường nhận ra làm thầu cũng chỉ đứng sau người khác. Công trình hoàn thiện nhưng có lúc phải chờ hàng năm mới lấy được hết tiền từ chủ đầu tư. Năm 2009, thị trường xây dựng ảm đạm, ông Cường tính sang Lào nhận công trình, song vợ khuyên không nên đi. Hai con trai còn nhỏ, ông không nỡ rời xa. Sau vài ngày suy nghĩ, ông Cường quyết định quay lại với nuôi trồng thủy sản vì chỉ nghề này mới thực sự được làm chủ.
"Gia đình không phản đối, nhưng tôi đắn đo, lần này thất bại thì không còn lỗ nào mà chui", ông Cường kể. Có sẵn một hecta đất, ông Cường đặt vấn đề với chính quyền thuê thêm, mua đất của hàng xóm.
Ban đầu ông Cường định đào đất làm ao nuôi cá chình nước ngọt, đã lên mô hình, định tháng 8 cùng năm xuống giống. Nhưng sau đó ông sợ, bởi trong xã chưa ai nuôi loài này, hơn nữa cá phải chăm sóc lâu dài, xui xẻo sẽ mất trắng vốn. Ông quyết định gắn bó với tôm bởi ngắn ngày, nhanh xuất bán.
Rút kinh nghiệm từ lần thất bại trước, suốt một tháng ông Cường rong ruổi đến các bãi ngang từ Nghệ An tới Quảng Ninh, gặp các chủ đầm để tham khảo kinh nghiệm nuôi tôm. Tháng 10/2009, ông thả nuôi 300.000 con tôm thẻ chân trắng vào vụ đông. Thời điểm thả, ông Cường đi ngược lại tất cả mọi người, bởi lúc đó trời mưa, giá rét kéo dài, các chủ đầm đều tháo nước cạn hồ, không ai xuống giống, ai làm liều gần như thất bại.
"Rét thế này đắp chăn mà ngủ chứ tội gì thả tôm cho khổ", ông Cường nhớ lại câu nói của hàng xóm 15 năm trước. Ông cười bảo "thử làm ngược xem thế nào, biết đâu tại kỳ tích, tạo ra bước đột phá cho nghề".
Tháng đầu tiên thả, không thấy tôm nổi, ông Cường tưởng "chết hết rồi". Tháng thứ hai, ông thở phào khi tôm bắt đầu ngoi lên và phát triển. Bí quyết là không cho ăn nhiều vào mùa đông vì dễ gây ô nhiễm nguồn nước.
Ông mua nhiều máy phát điện về nối bóng thắp sáng các hồ, thử nghiệm thêm một số thức ăn phù hợp, kết quả ba tháng sau ông Cường thắng đậm. 300.000 con giống cho 6 tấn một hồ, giá tôm lúc đó 120.000 đồng một kg. Bán hết, trừ chi phí lời 500 triệu đồng, ông Cường ôm vợ cười nói "Trúng đậm rồi".
Sau lần rẽ hướng sang nuôi tôm, ông Cường liên tục thắng lớn. Năm 2014, ông nuôi hồ nào trúng hồ đó. Mỗi vụ ba tháng, một hồ 1.200 m2 thu về 4-5 tấn tôm, thương lái nước ngoài về Nghệ An thu mua, tài khoản ngân hàng đổ về 1-2 tỷ đồng mỗi ngày. Nhiều tiểu thương trong vùng xách cả bao tải tiền đến giao dịch.
Ngoài trúng đậm tôm, những năm 2012-2015, ông Cường còn mua vật tư, cám giống về cung cấp cho các chủ đầm tôm trong vùng. Doanh thu lớn, ông trả hết nợ hồi khởi nghiệp, xây được nhà mới, sắm ôtô, nuôi con ăn học.
Đang đà thăng hoa, ông Cường gặp sự cố năm 2016, tôm bị dịch bệnh, thị trường nước ngoài đóng băng, giá giảm một nửa. Tôm chết và tồn kho nhiều, ông Cường phải tiêu hủy, bán rẻ, lỗ hơn nửa tỷ đồng. Nhiều hộ nuôi cũng gặp tình cảnh tương tự, chán nản bỏ hồ. Ông Cường cầm cự, vợ chồng động viên nhau thua keo này bày keo khác. Sau một năm, ông trở lại nuôi, trúng vài vụ gỡ gạc.
Năm 2020-2021, dịch Covid-19 xuất hiện, giãn cách xã hội khiến xe cộ khó lưu thông, các chợ đóng cửa, ông Cường không thể xuất bán tôm. Đến khi hết dịch, tôm giống lại mắc bệnh gan tủy khiến chết trắng đồng.
Tiếp tục lỗ hàng tỷ đồng, ông Cường bắt đầu tính việc áp dụng khoa học, công nghệ cao vào nuôi tôm để hạn chế dịch bệnh. Ông đầu tư vốn làm hệ thống kiểm soát nguồn nước đầu vào, lắp mái che cho ao, mua máy tạo ôxy, đặt nhiệt kế kiểm soát nhiệt độ trong từng khu vực... để hạn chế những tác động từ môi trường bên ngoài giúp tôm thẻ chân trắng phát triển ổn định.
Đến nay, ông Cường sở hữu 6 hecta đất nuôi thủy sản, trung bình mỗi hồ tôm rộng 1.200 m2 thả khoảng 100.000 con tôm thẻ chân trắng, sau 3-4 tháng thu về 2,5-3 tấn tôm thành phẩm. Trong một năm, ông Cường thường dành hai tháng nghỉ nuôi để xử lý ao hồ. Đến nay ông đã bỏ hơn 15 tỷ đồng đầu tư vào cơ sở.
Hiện giá tôm thịt giá 250.000 đồng một kg, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở miền Bắc. Mỗi lần ông xuất bán 3-4 tấn, một năm gần 100 tấn. Cơ sở thuê 7-8 nhân công, trả lương mỗi tháng 8-9 triệu đồng. Tổng doanh thu bình quân đạt 25 tỷ đồng một năm, sau khi trừ hết chi phí, ông Cường lời 5-6 tỷ đồng.
Hai con ông Cường đã trưởng thành. Con trai thứ hai theo học đại học ngành thủy sản, sau thời gian thực tập, làm việc tại các công ty thủy sản trong nước đã trở về cùng bố vận hành cơ sở nuôi tôm.
Từ chỗ bị nghi ngờ "hâm", đến nay nhiều hàng xóm đã nhìn ông Cường bằng con mắt khâm phục. Người đàn ông 54 tuổi dự định thành lập hợp tác xã, phát triển mô hình nuôi tôm theo hướng du lịch sinh thái, thu hút du khách đến tham quan cơ sở, sau đó mua tôm chế biến tại chỗ thưởng thức.
Là một trong 100 người vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024, ông Cường nói rất vinh dự, bởi cả quá trình dãi nắng dầm mưa dưới ao hồ đã được ghi nhận. "Trước đó tôi chưa từng nghĩ mình là nông dân xuất sắc, cả đời lao động luôn tự nhủ làm sao mang lại kinh tế cho gia đình, tạo ra giá trị xã hội", ông Cường nói.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Quang Tùng đánh giá ông Cường năng động, táo bạo, tiếp thu nhanh ứng dụng khoa học kỹ thuật để áp dụng vào nuôi trồng thủy sản, nhờ đó mang lại thành công. "Ngoài làm ăn giỏi, ông Cường rất có trách nhiệm với bạn nghề, sẵn sàng hỗ trợ cung ứng thức ăn, vật tư, hướng dẫn phòng tránh các bệnh tật để giúp nhau làm giàu", ông Tùng nói.