Theo Chủ tịch TSMC Mark Liu, nhà máy trị giá 40 tỷ USD của công ty sẽ hoàn thành việc xây dựng và đi vào hoạt động vào năm 2027-2028 thay vì 2026 như dự định. "Cần thêm một thời gian nữa", ông Liu nói với các nhà phân tích trong báo cáo tài chính ngày 19/1.
Ông Liu cho biết việc xây dựng phần thô của nhà máy đã bắt đầu, nhưng TSMC "cần xem xét chính phủ Mỹ có thể cung cấp bao nhiêu ưu đãi". Họ đã liên hệ và thảo luận với các quan chức Mỹ về vấn đề này, gồm cả các khoản tín dụng thuế.
Đây không phải lần đầu TSMC, công ty gia công bán dẫn lớn nhất thế giới, phải lùi kế hoạch xây dựng nhà máy chip thứ hai ở bang Arizona. Năm 2022, công ty tuyên xây nhà máy thứ hai bên cạnh nhà máy đầu tiên, nâng tổng mức đầu tư vào bang này từ 12 tỷ lên 40 tỷ USD. TSMC dự định sản xuất mẫu chip đầu tiên ở đây vào nửa đầu 2024. Nhưng tháng 7 năm ngoái, ông Liu nói với các nhà đầu tư rằng kế hoạch bị lùi sang năm 2025 hoặc 2026 do vấn đề về công nhân kỹ thuật cao và chi phí vận hành lớn.
Trước đó, báo cáo từ Digitimes cho thấy TSMC sẽ yêu cầu khách hàng của mình trả phí cao hơn do chi phí xây nhà máy ở Mỹ đắt đỏ hơn nhiều so với tại châu Á. Giá chip sản xuất trên các nút quy trình dưới 10 nm dự kiến cao hơn 20-30%.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện xem việc sản xuất chip trong nước là ưu tiên hàng đầu. Năm 2022, nước này thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học, dành riêng 50 tỷ USD để thúc đẩy các công ty bán dẫn chuyển về Mỹ sản xuất. Riêng khoản đầu tư của TSMC từng được Biden ca ngợi như một dấu hiệu cho thấy ngành sản xuất của nước này "đã quay trở lại".
TSMC từng cho biết nhà máy đầu tiên ở Arizona sẽ sản xuất chip 4 nm còn nhà máy thứ hai sẽ tạo chip 3 nm. Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 19/1, ông Liu nói kế hoạch đang thay đổi. "Quy mô và cách chính phủ Mỹ khuyến khích sẽ quyết định loại công nghệ được triển khai", ông nói, đồng thời thông báo cơ sở đầu tiên sẽ bắt đầu sản xuất chip 4 nm từ nửa đầu 2025.
TSMC hiện cũng chuyển hướng sang Nhật Bản trong bối cảnh gặp khó tại Mỹ. Cuối năm ngoái, SCMP cho biết TSMC đang xây dựng một nhà máy chip trị giá 8,6 tỷ USD trên đảo Kyushu, dự kiến vận hành năm nay, đồng thời có kế hoạch xây nhà máy thứ hai ở Nhật Bản với mục tiêu tạo mẫu chip siêu hiện đại, chưa được sản xuất trước đây.
Theo giới phân tích, TSMC đang coi Nhật Bản là nơi phù hợp hơn nhờ văn hóa làm việc tương đồng, mạng lưới nhà cung cấp vật liệu gần và rộng khắp, đồng thời chính phủ nước này dễ dàng giải quyết yêu cầu và hào phóng với các khoản trợ cấp. "Mối quan hệ giữa TSMC và chính phủ Nhật Bản là đôi bên cùng có lợi", nhà phân tích Lucy Chen của Isaiah Research nói với Reuters cuối năm ngoái.
Bảo Lâm