Bên cạnh cô, con gái 13 tuổi cuộn tròn trong chiếc chăn chắp vá do một tổ chức từ thiện tặng. Đợi con ngủ say, Ruby Rafiq lẻn khỏi nhà. Quấn khăn trùm đầu, cô đi đến khu chợ bên bờ sông Buriganga ở Keraniganj, ngoại ô Dhaka và đợi những người đàn ông.
"Họ không cần hỏi cũng biết tôi là ai. Chẳng có người phụ nữ đáng kính nào đứng trên con phố này ban ban đêm cả", bà mẹ hai con nói.
Là một công nhân may nhưng đồng lương quá thấp, lạm phát tăng và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đã buộc Rafid phải hành nghề mại dâm. Trước khi đi vào con đường này, một thời gian dài cô đã nhịn bữa, cắt bớt khẩu phần ăn của con.
Khi chồng bỏ đi, Rafid thành trụ cột duy nhất của gia đình. Con trai lớn Sakib, 16 tuổi đói, bắt đầu ăn trộm. Sau đó, Rafid không trả được tiền thuê nhà và phải vay một khoản tiền để sinh hoạt. Cô vật lộn trả nợ và tình trạng ngày càng tồi tệ hơn.
Rafiq là một công nhân của ngành may mặc Bangladesh - một trong những công xưởng may lớn nhất thế giới. Nhưng bất chấp sự gia tăng trong sản xuất, Bangladesh vẫn là một trong những quốc gia có mức lương tối thiểu thấp nhất thế giới, duy trì ở mức 8.000 taka một tháng (khoảng 1,7 triệu đồng) kể từ 2018.
Ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu và giá nhiên liệu tăng vọt, từ năm 2022 nền kinh tế Bangladesh rơi vào khủng hoảng. Tháng 7/2022, chính phủ nước này đã phải cầu cứu Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho vay khẩn cấp 4,5 tỷ USD để ngăn chặn vỡ nợ.
Ngành may mặc là mũi nhọn kinh tế của Bangladesh, chiếm hơn 10% GDP và sử dụng 4,4 triệu lao động nhưng Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA) cho biết đơn hàng đã liên tục giảm từ đầu năm 2022 đến nay.
Bà Kalpona Akter, chủ tịch Liên đoàn công nhân công nghiệp và may mặc Bangladesh, cho biết cuộc sống của công nhân may đã trở nên khó khăn hơn vì lạm phát. Họ đã phải giảm bớt thức ăn để đối phó với việc giá cả tăng vọt. Nhiều người phải nhặt thực phẩm từ thùng rác để nuôi con cái. Theo tờ Daily Star của Dhaka, lạm phát ở Bangladesh lại tăng vọt trong tháng 10 vừa qua, lên tới 9,93%, mức tăng cao nhất 12 năm qua.
Vào tháng 11, các cuộc đàm phán về mức lương tối thiểu mới đã gây ra các cuộc biểu tình khắp thủ đô và nhanh chóng chuyển thành bạo lực sau khi chính phủ tuyên bố chỉ tăng lên 12.500 taka một tháng (2,7 triệu đồng); thấp hơn nhiều so với con số 23.000 taka (5 triệu đồng) mà công nhân cho rằng là cần thiết để trang trải chi phí sinh hoạt cơ bản và giúp gia đình họ không bị chết đói.
Rafiq làm việc cho một nhà máy lớn chuyên cung cấp quần áo cho các thương hiệu Anh như Tesco, Matalan và Next. Mặc dù làm việc theo ca 10 tiếng mỗi ngày, 7 ngày một tuần, cô vẫn phải vật lộn kiếm sống. Mỗi tuần cô kiếm được 2.000 taka (hơn 400.000 đồng), thấp hơn giá bán lẻ một chiếc áo liền quần cô may ở thị trường châu Âu, trong khi mức lương tối thiểu dự kiến có hiệu lực từ tháng 12/2023 nhưng cô vẫn chưa được trả.
Trong cảnh cùng cực, nhiều người như Rafid buộc phải làm nghề mại dâm để được sống. Vài tháng trước, một người đàn ông đã tiếp cận cô, đề nghị trả 500 taka, gấp đôi số tiền khách hàng thường trả. "Tôi chấp nhận vì nghĩ có thể về nhà sớm", cô nói.
Trước khi lên xe, cô đã gửi tiền cho một chủ cửa hàng quen. Không ngờ đến địa điểm đã có 10 người khác đang đợi cô. "Tôi ngay lập tức từ chối nhưng họ đã khóa cửa lại sau lưng tôi. Họ bắt đầu chế nhạo tôi và tôi bắt đầu khóc", người phụ nữ kể.
Người đàn ông này yêu cầu cô trả lại tiền, nhưng khi nói không mang theo, người đó lột đồ cô để tìm kiếm. Không tìm được gì, hắn đánh cô thô bạo, cuối cùng ném ra đường, người đầy máu.
"Lúc con quái vật đó đá tôi, tôi cứ nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra với các con nếu tôi chết. Liệu con gái có kết cục giống tôi không?", người phụ nữ nói trong giàn giụa nước mắt.
Mỗi ngày sau giờ làm việc, Rafid tuyệt vọng chờ đợi xem có được tăng ca không. Khi không được, cô buộc phải ra chợ bán dâm. Số tiền kiếm được cô mua thực phẩm, còn phần lớn tiền lương công nhân dùng để trả tiền nhà, các hóa đơn và học phí của con. Mọi thứ đều trở nên đắt đỏ, ngay cả trứng giờ đây cũng là một thứ xa xỉ.
"Quên quần áo mới đi, tôi đã mặc bộ này suốt 5 năm. Trước kia nó có màu vàng đẹp đẽ, bây giờ nó có màu bùn", cô nói.
Mỗi ngày về nhà lúc nửa đêm, cô kiệt sức cả thể chất lẫn tinh thần và không biết có thể trụ đến bao lâu nữa. "Điều duy nhất tôi mong đợi là được gặp lại các con. Maya của tôi muốn trở thành bác sĩ và mơ ước những điều mà tôi thậm chí không thể tưởng tượng được. Là một người mẹ, công việc thực sự duy nhất của tôi là biến một số giấc mơ đó thành hiện thực", cô nói.
Mỗi đêm trước khi đi ngủ, Rafid gom ít củi đốt một đống lửa sưởi ấm đôi bàn tay. Đôi khi cô lặng lẽ hát một mình, tự hỏi những chiếc áo Giáng sinh mình may đến đích hay chưa. Chiếc áo có thể mang cho mọi người ấm áp và niềm vui vô tận, nhưng những gì công nhân ngành may mặc ở quốc gia Nam Á này nhận được là một cuộc sống khốn khổ tận cùng.
"Chúng tôi cũng là con người, không phải cỗ máy, chẳng lẽ không xứng đáng có một chút niềm vui sao?", nữ công nhân nói.
Bảo Nhiên (Theo Guardian)