Ngày 7/8/1974, nghệ sĩ người Pháp - Philippe Petit - đi trên dây ở độ cao 400 m qua Tháp đôi - Trung tâm thương mại New York (Mỹ) trong 45 phút. Anh làm điều này trái luật. Năm 2008, bộ phim Man on Wire dựng lại chuyện có thật, giành giải Oscar cho "Phim tài liệu xuất sắc". Năm 2015, những bước đi lịch sử được tái hiện trong bộ phim hư cấu The Walk của đạo diễn Robert Zemeckis.
Nếu phim tài liệu bảy năm trước kể "phi vụ phạm tội vì nghệ thuật" bằng tư liệu thật cùng mô phỏng thật của những người trực tiếp tham gia, tác phẩm mới làm sống dậy những bước đi năm xưa bằng hình ảnh 3D ngoạn mục trên một câu chuyện tâm lý có màu tươi sáng. Không dùng bất kỳ hình ảnh tư liệu nào, The Walk mang đến cho người xem những khoảnh khắc thót tim, sững sờ, lấp vào khoảng trống mà phim tài liệu trước đó đã bỏ ngỏ.
"The Walk" gây ấn tượng bằng những khoảnh khắc hình ảnh 3D đẹp mắt. |
Những khoảnh khắc rực rỡ nhất của The Walk là khi nhân vật chính - nghệ sĩ Philippe Petit - đi trên dây, trong đó anh đi qua đi lại hai tòa tháp Nam và tháp Bắc tám lần. Khi ở trên dây, anh không chỉ bước đi mà còn nhảy múa, nằm lên dây, quỳ gối và cúi chào khán giả dưới mặt đất. Những chi tiết này đều được thuật lại trên báo chí, tự truyện To Reach the Clouds cũng như trong phim tài liệu. Dù vậy, mọi tư liệu ghi chép lại pha mạo hiểm đó đều chỉ dừng lại ở chữ viết và hình ảnh tĩnh. Lý do là bởi khi Philippe Petit thực hiện pha mạo hiểm 40 năm trước, không có ai quay lại cảnh này.
Với The Walk, người xem lần đầu được thấy những hình ảnh động, trong đó tài tử Joseph Gordon Levitt hóa thân thành nghệ sĩ đi trên dây và thực hiện pha mạo hiểm. Trường đoạn gần 10 phút của phim gây choáng ngợp và thót tim, khiến người xem cảm nhận chân thực pha mạo hiểm phi thường của nghệ sĩ đi trên dây đến từ nước Pháp. Những thước phim mới cũng gợi nhớ tới tòa nhà biểu tượng của New York bằng kỷ niệm tươi sáng - thời gian tòa nhà mới được xây.
Đạo diễn Robert Zemeckis đã tận dụng hiệu quả công nghệ đồ họa vi tính 3D để tái tạo cảnh phim lịch sử bỏ sót. Tài tử Joseph Gordon Levitt được chính nghệ sĩ Philippe Petit dạy đi trên dây trong tám ngày. Sau đó, anh đóng cảnh phim trên giàn giáo thấp trong trường quay. Cảnh phim được ghi hình với phông xanh. Hình ảnh Tháp Đôi Mỹ được vẽ bằng đồ họa. Sau đó, cảnh Joseph Gordon Levitt đi trên giàn giáo được lồng ghép vào hình nền là khu vực Tháp Đôi. Cuối cùng, bản dựng là những bước đi đứng tim giữa không trung. Nếu không có công nghệ vi tính hiện đại, người xem sẽ không thể chiêm ngưỡng tận mắt cảnh nghệ sĩ bước từng bước trên chiếc dây nhỏ, tận hưởng cùng anh khoảnh khắc nằm ngửa thảnh thơi ngắm trời trong, chạm tay thấy mây hay thoát khỏi hiện thực đông đúc dưới phố xá.
Được mệnh danh là nhà làm phim của hiệu ứng đặc biệt, đạo diễn Robert Zemeckis từng thổi hồn cho nhiều bộ phim ấn tượng như bộ ba Back to the Future (1985 -1990), Forest Gump (1994), The Polar Express (2004) và A Christmas Carol (2009). Tới The Walk, ông tiếp tục phát huy thế mạnh để kể một câu chuyện tâm lý với nhiều hình ảnh đẹp. Nhà làm phim khiến khán giả cảm nhận được chân thực sự nghẹt thở trong các khung hình mà không cần đưa vào phim cảnh bắn súng, rượt đuổi xe hơi hay chiến đấu xe tăng.
Cảnh hai nhân vật chính bàn phương án đi trên dây. |
Tám năm trước, phim Man on Wire để lại nhiều cảm xúc khi nhấn mạnh vào màu phim Heist (phim hình sự lấy bối cảnh nhà cao tầng) với những lời dẫn chân thực của chính Phillipe Petit và các cộng sự. Ngoài ra, lối kể chuyện tài liệu gần gũi của phim tài liệu đã lay động người xem. Ngược lại, phim The Walk nhấn mạnh vào yếu tố tâm lý và để lại dấu ấn bằng phong cách thuật lại kỳ tích phi thường bằng kỹ xảo điện ảnh. Ngay từ đầu phim, nhân vật chính xuất hiện, đứng trên đỉnh tượng Nữ thần Tự do, kể lại chiến công mình đạt được khiến người xem có cảm giác háo hức như được nghe một tích chuyện đáng ngưỡng mộ dù biết trước kết quả.
Bằng những lát cắt, dựng khéo léo với nhiều chi tiết, hình ảnh thú vị, The Walk khái quát khá đầy đủ gần 20 năm cuộc đời của một nghệ sĩ mà vẫn hấp dẫn. Phim cho người xem thấy tuổi thơ của anh lúc phát hiện ra đam mê với độ cao, thực hành những trò diễn xiếc qua ngày để mưu sinh, rồi đặt ra kế hoạch chinh phục đỉnh cao cuộc đời và biến giấc mơ thành hiện thực trong sáu năm. Cách kể chuyện phần nào gợi người xem đến phong cách xử lý cốt truyện trải dài vài chục năm như của Forrest Gump mà vẫn lôi cuốn.
Ngoài màu phim tươi sáng, lời thoại hài hước và đáng yêu, phục trang và hóa trang của phim cũng được làm chỉn chu. Các nhân vật phụ của The Walk đều có tính cách khá đặc trưng bên cạnh nhân vật chính. Những nhân vật này đóng vai trò quan trọng trong quá trình chinh phục giấc mơ của nam chính. Nếu như nhân vật người bạn gái của nghệ sĩ Philippe Petit - do Charlotte Le Bon - thủ vai lột tả những khoảnh khắc tâm tình riêng tư của nghệ sĩ, nhân vật người thầy huấn luyện Philippe Petit (do Ben Kingsley thủ vai) có vẻ mẫu mực cần thiết. Cùng với đó, bốn người bạn hỗ trợ đều đáng yêu với các nét tính cách tự nhiên.
Poster phim "The Walk". |
Tài tử Joseph Gordon Levitt không có màn hóa thân thực sự xuất sắc khi vào vai Philippe Petit. Lối diễn không tiết chế của anh khiến chân dung của một nghệ sĩ đi dây hơi tự mãn quá đà và thiếu phần khiêm tốn.
Mặc dù Levitt diễn đạt ở các cảnh hài hước và dí dỏm ra chất một chàng trai Pháp kiểu cách, tưng tửng, nội tâm của nhân vật không phức tạp, nhiều dày vò hay giằng xé dữ dội như đặc trưng tính cách của một nghệ sĩ. Ở những đoạn bùng nổ nội tâm nhân vật, cách diễn của tài tử 500 Ngày yêu lại làm người xem thấy nhân vật của anh phần nào quá đà. Ngoài ra, việc nhân vật chính tự hào dẫn chuyện dài từ đầu tới cuối phim đôi khi không cần thiết.
Là một trong những tác phẩm đáng xem của mùa phim cuối năm, The Walk đã được chiếu mở màn ở hai liên hoan phim là New York và Tokyo. Phim phát hành tại Việt Nam từ ngày 23/10 với nhan đề Bước đi thế kỷ.
Trailer "The Walk" |
Đạo diễn Robert Zemeckis chào khán giả Việt từ LHP Tokyo |
Vũ Văn Việt