Không chỉ nắm thông tin cá nhân, bằng phân tích nội dung tin nhắn trên mạng xã hội, người ta có thể có những nghiên cứu xa hơn. |
Với thế mạnh công nghệ, lượng người sử dụng đông ở nước ngoài, Facebook không phải tốn quá nhiều chi phí để thu hút cộng đồng sử dụng ở Việt Nam. Chậm chân hơn Facebook, những gương mặt mới xuất hiện trong kinh doanh mạng xã hội ở Việt Nam buộc phải tốn chi phí tiếp thị.
Wechat, người khách lạ
Gần đây trên thị trường Việt Nam xuất hiện quảng cáo của Wechat trên những tờ báo điện tử, cổng thông tin hoặc trên các ứng dụng khác. Wechat không chỉ là một ứng dụng chat miễn phí trên điện thoại di động, máy tính bảng như Viber, Whatsapp, Tango…, mà còn có các tính năng của một mạng xã hội như cho phép chia sẻ, tương tác với những người dùng khác. Wechat hiện đã có đầy đủ các phiên bản chạy trên các hệ điều hành: iOS, Android, Symbian, BlackBerry. Chỉ cần tải miễn phí, cài đặt vài thao tác đơn giản là sử dụng.
Thoạt đầu, có ý kiến cho rằng, Wechat là ứng dụng của VinaGame nhằm thay thế cho công cụ Zing Chat đã thất bại vào năm 2008. Trên thực tế, đây là sản phẩm của Tencent, nhà phát triển ứng dụng lớn của Trung Quốc cũng như ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Sau khi xuất hiện ở Indonesia, Thái Lan, Malaysia…, từ đầu tháng 6.2012, Wechat chi tiền quảng cáo trên các tờ báo điện tử, đặc biệt là trên các công cụ thuộc Zing… Từng làm việc trong ngành công nghệ thông tin, kinh doanh internet, ông Hữu Việt (Tân Bình, TP HCM), nhận xét: “Đây là bước đi khôn ngoan của Tencent trong việc tìm kiếm khách hàng. Trong khi các ứng dụng phát triển theo phương thức “truyền miệng” thì Tencent lại đẩy mạnh việc quảng bá Wechat trên nhiều công cụ khác nhau để thu hút khách hàng”.
Vậy thu hút đông người sử dụng giúp gì cho Tencent trong khi các đối thủ người Việt của họ không khai thác được cơ hội kinh doanh? Trong các điều khoản cung cấp dịch vụ, viết bằng tiếng Anh và thường bị người dùng lướt qua, có điều 10 rất đáng chú ý. Trong mục 10.3 ghi rõ, Tencent có quyền thu thập dữ liệu người dùng, “để phục vụ vào các mục đích thương mại, kể cả việc không hạn chế chuyển giao thông tin cho các nhà cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng khác, khuyến mãi, marketing theo vị trí và các hoạt động thương mại khác”. Có thể hiểu được rằng, khi cộng đồng sử dụng đủ lớn, nhà kinh doanh Wechat sẽ có thể đổi các thông tin cá nhân lấy các khoản lợi nhuận từ các nhà cung cấp dịch vụ khác. Điều này cũng góp thêm vào doanh thu đến từ quảng cáo của họ. Ngoài ra, nhà kinh doanh có thể chặn hay lọc theo từ khoá các nội dung mà họ không muốn hiển thị hay chia sẻ.
Lạ mà quen đã lâu
Đứng đầu về doanh thu trong các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ internet khu vực châu Á – Thái B.nh Dương, Tencent có tham vọng mở rộng ra các thị trường mới nổi như Nga, Ấn Độ, cũng như các thị trường lân cận. Năm 2008, theo bài báo đăng trên Reuters năm 2010, Tencent đồng ý trả 7,5 triệu USD để mua cổ phần MIH India, một doanh nghiệp sở hữu mạng xã hội tương tự Facebook có tên ibibo. Bài báo này nhắc tới việc Tencent có cổ phần nhỏ ở VinaGame.
Cùng năm 2010, trong một bài viết về VinaGame trên Forbes, có dẫn lời Benjamin Joffe, giám đốc chiến lược của công ty nghiên cứu và chiến lược số Plus 8 star ở Bắc Kinh, rằng VinaGame đang rập theo mô hình của Tencent. Theo đó, điểm chung của hai công ty này là có cùng cổ đông IDG. Theo bài báo trên Forbes, IDG đầu tư 500.000 USD vào VinaGame. Sau khi có cổ phần ở VinaGame, Tencent đạt được thoả thuận để đưa QQchat cũng như một số trò chơi vào kinh doanh tại Việt Nam. Bài báo cũng nhắc tới giám đốc tài chính của VinaGame là Johny Shen, người từng giữ chức vụ giám đốc Mua bán và sáp nhập của Tencent, trước khi gia nhập VinaGame từ 2008. Theo bài trên Forbes, Johny Shen không chỉ là giám đốc tài chính mà còn giữ chức phó chủ tịch hội đồng quản trị chịu trách nhiệm chính về chiến lược và phát triển. Johny Shen còn tham gia vào ban lãnh đạo của Kingsoft, một tên tuổi không xa lạ gì với VinaGame khi doanh nghiệp này mua bản quyền đưa Võ lâm truyền kỳ về Việt Nam.
Trong bài báo nghiên cứu sự thành công của dịch vụ tin nhắn QQ thuộc Tencent, đăng trên tạp chí chuyên về nghiên cứu kinh doanh (số tháng 1 và 2.2012), hai tác giả công tác tại đại học Bắc Kinh là Jane Peihusn Wu và Terrill L. Frantz có nêu điểm tương đồng giữa tỷ lệ sử dụng internet ở Việt Nam và Trung Quốc. Hai tác giả viết: “Do vậy, Tencent đã mua chuộc VinaGame và giao công ty này sử dụng phần mềm QQ và một số trò chơi. Năm 2007, VinaGame đã nâng cấp QQ rồi đổi tên thành Zing Chat, thay biểu tượng chim cánh cụt bằng biểu tượng hai con vịt”.
Tuy VinaGame công bố Tencent là cổ đông lớn, nhưng không nói rõ tỷ lệ sở hữu. Trong báo cáo tài chính năm 2011 của Tencent có ghi, công ty này đang sở hữu 31,25% cổ phần của một công ty chưa niêm yết ở Đông Nam Á, với ngành nghề kinh doanh game online. Trong báo cáo tài chính các năm 2009, 2010 đều thể hiện số cổ phần Tencent nắm giữ ở công ty này không ngừng gia tăng. Năm 2009, Tencent chỉ sở hữu 20,02% số cổ phần, sau đó tăng lên 30,02% số cổ phần vào năm 2010.
Nắm người dùng, biết tất cả
Nếu có cộng đồng thành viên, nhà kinh doanh không chỉ nắm thông tin cá nhân, vị trí truy cập, thói quen mà qua những gì họ chia sẻ, trao đổi, nhà kinh doanh có thể có những nghiên cứu xa hơn. Thậm chí, người ta từng thử vẽ bản đồ tâm trạng xã hội của nước Mỹ qua nội dung đăng trên Twitter gồm có 140 kí tự.
Nhà khoa học máy tính Alan Mislove (đại học Northeastern, Boston) và đồng nghiệp đã dựng được bản đồ mô phỏng trạng thái tâm lý của người dân Mỹ vào từng thời điểm dựa trên phân tích 300 triệu tin nhắn trên mạng xã hội Twitter. Kết quả nghiên cứu công bố năm 2010 cho thấy, người dân bờ Tây hạnh phúc hơn người dân bờ Đông. Quá trình phân tích dựa trên việc lọc thông tin từ các từ khoá dựa theo hệ thống phân loại từ trong tâm lý học. Sau đó, các tin nhắn 140 kí tự trên Twitter sẽ được cho điểm. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu tập hợp các tin nhắn của mỗi địa phương vào từng thời điểm khác nhau để dựng lên bản đồ trạng thái tâm lý. Ông Johan Bollen (đại học Bloomington), người cũng sử dụng phương pháp phân tích tin nhắn trên Twitter để xác định trạng thái tâm lý của xã hội, cho biết: “Sẽ rất lý thú khi quan sát sự chuyển biến trạng thái của xã hội ở các thời điểm gần như đồng thời với những gì đang diễn ra trong đời thực”.
(SGTT)