Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM đang xây dựng quy định tạm thời quản lý nuôi chó, mèo. Theo đó, chủ vật nuôi có thể sẽ phải đăng ký định kỳ với UBND cấp xã. Quy định cũng khuyến khích các hộ nuôi gắn chip điện tử hay một phần mềm mạch vi xử lý trên vật nuôi. Việc này giúp quản lý thông tin phối giống, tiêm phòng, kiểm dịch vận chuyển...
Đại diện đơn vị tham mưu đề xuất, ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó chi cục Chăn nuôi và Thú y TP HCM, cho biết pháp luật đã có quy định về tiêm phòng, vật nuôi ra ngoài rọ mõm... nhưng còn chung chung. Do đó, ngành nông nghiệp xin chủ trương quản lý chó, mèo ở đô thị để cụ thể các quy định, chế tài rõ ràng với chủ nuôi không tuân thủ.
Các tiêu chí sẽ phù hợp với số lượng vật nuôi mỗi hộ, gắn với trách nhiệm người chủ, đặc biệt phải khai báo với chính quyền để ngành chức năng theo dõi tổng đàn, công tác phòng, chống dịch.
Theo ông Thiết, việc kê khai định kỳ hai lần trong năm và trong vòng ba ngày khi chủ nhận nuôi chó, mèo sẽ giải quyết được khoảng trống về thống kê số lượng đàn, đảm bảo việc phòng, chống dịch. Ví dụ, một người nhận chó ở tỉnh khác về nuôi nếu không bắt buộc kê khai trong 3 ngày thì phải chờ lúc địa phương kiểm tra tổng đàn mới nắm được. "Đây chính là khoảng trống, nếu chó về từ nơi đang có dịch bệnh dại thì hậu quả khó lường", ông nói.
Hiện, có rất nhiều ứng dụng (app) liên quan quản lý vật nuôi như sổ tiêm phòng điện tử chủ yếu do hệ thống phòng khám quản lý, phần mềm quản lý tiêm phòng dại, khai báo dịch bệnh... của ngành thú y. Các app này chưa được liên thông. Khi có quy định các phần mềm này buộc phải đồng bộ, chia sẻ dữ liệu với nhau để thuận lợi cho công tác quản lý.
Cùng với yêu cầu bắt buộc chủ đăng ký vật nuôi với chính quyền, Phó chi cục Chăn nuôi và Thú y TP HCM cho biết các tổ bắt chó thả rông ở xã, phường sẽ được đẩy mạnh. Chó, mèo không được chủ đăng ký sẽ bị các tổ xử lý. "Hai việc làm cùng lúc mới hạn chế được vật nuôi thả rông, phóng uế. Đây cũng là bức xúc của người dân đô thị", ông Thiết nói.
Ông Thiết cho biết trước đây, chó thả rông sẽ do Chi cục Chăn nuôi và Thú y xử lý. Sau đó, việc này được giao cho các xã, phường. Tuy nhiên, lập các tổ bắt chó, mèo thả rông ở phường gặp khó khăn về nhân sự, nơi nuôi nhốt, chăm sóc... Việc xử phạt chó thả rông, phóng uế cũng gặp tranh cãi với chủ nuôi. Hiện chỉ 59 xã, phường ở thành phố có tổ bắt chó, mèo thả rông, chiếm tỷ lệ 20%.
TP HCM hiện có hơn 184.000 con chó, mèo được gần 106.000 hộ gia đình nuôi dưỡng. Trong đó, tỷ lệ vật nuôi ở 5 huyện ngoại thành chiếm khoảng 34%, trung bình mỗi hộ nuôi khoảng 1,74 con. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố, từ đầu năm đến nay có khoảng 10.000 người tiêm vaccine phòng dại do súc vật cắn mỗi tháng, tăng gần 1.000 người so cùng kỳ năm ngoái.
Là cấp chính quyền được giao quản lý trực tiếp vật nuôi, ông Nguyễn Thế Dũng, Chủ tịch UBND phường 14, quận Gò Vấp nói quy định mới sẽ giúp các địa phương xử phạt được chủ nuôi để chó, mèo thả rông, phóng uế, không rọ mõm ở nơi công cộng. Lâu nay người dân chụp ảnh, quay được chó phóng uế phản ảnh đến phường, cán bộ xuống tận nhà nhưng chủ nuôi vẫn chối.
Hiện, quy định xử phạt chủ để vật nuôi thả rông không rọ mõm ra đường, phóng uế đã có. Tuy nhiên, địa phương muốn ra một quyết định xử phạt hành chính phải có bằng chứng chặt chẽ, thuyết phục. Nhiều vụ mâu thuẫn trong dân cư phát sinh từ việc nuôi chó, mèo. "Yêu cầu bắt buộc kê khai, đăng ký vật nuôi với chính quyền là một bước quan trọng giúp địa phương dễ dàng khi xử lý các vụ tương tự", ông Dũng nói.
Để việc quản lý chó, mèo phát huy tác dụng, ông Dũng cho rằng cần có chế tài đủ mạnh với người nuôi không đăng ký. Bên cạnh đó, cần ứng dụng công nghệ trong đăng ký và quản lý chó, mèo. Thông qua app, chủ có thể đăng ký online với các yêu cầu nhận diện hình ảnh, giống, loài, màu sắc, cân nặng... Thay vì đến UBND xã, phường khai báo trực tiếp, người nuôi có thể cập nhật thông tin online. Người dân cũng có thể phản ánh chó, mèo phóng uế, thả rông qua app này.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, cho rằng việc bắt buộc đăng ký nuôi chó, mèo sẽ giúp địa phương dễ quản lý, xử phạt chủ nuôi khi có vi phạm. Năm ngoái, để hạn chế việc thả rong, gây ô nhiễm đơn vị đã lập đội xử lý, gồm 12 người bắt hơn 200 con chó, mèo ở nơi công cộng, đồng thời xử phạt 103 chủ nuôi vi phạm quy định nuôi thú cưng.
Chó, mèo sau khi bắt sẽ được tạm giữ ở điểm cách xa khu dân cư để không ảnh hưởng môi trường. Người nuôi muốn nhận lại chó phải nộp phạt vi phạm hành chính. Nếu là động vật vô chủ sẽ giao cho trường trung cấp nông nghiệp, thú y xử lý.
Việc lập đội bắt chó dù đã phát huy hiệu quả, nhưng cũng tốn nhiều thời gian, nhân lực để xử lý. Phường phải huy động người tham gia là cán bộ, công chức. Trong quá trình làm việc, nhiều chủ vật nuôi vẫn còn phản ứng, không đồng tình gây khó cho lực lượng.
Theo ông Tuấn, nhiều năm qua, địa phương cũng khuyến khích người dân nuôi chó, mèo đăng ký với đơn vị nhưng chỉ nắm số lượng chứ chưa có đầy đủ thông tin, nhận dạng. Trường hợp vật nuôi thả rong không rọ mõm cũng không thể xác định chủ sở hữu. Do đó, nếu việc đăng ký bổ sung thêm các thông tin cụ thể giống loài, kèm theo hình ảnh vật nuôi sẽ giúp địa phương dễ xác định chủ nuôi.
Về đề xuất khuyến khích gắn chip vật nuôi, ông Dương Kiên Trung, Giám đốc Công ty TNHH Thú Cưng Lê Trung, cho biết việc gắn chip lên động vật rất đơn giản, không gây hại. Một thiết bị lưu trữ mã số từ 9-15 ký tự, nhỏ bằng hạt gạo sẽ được cấy qua da dưới cổ của thú nuôi. Toàn bộ chi phí khoảng 500 nghìn đồng. Khi dùng thiết bị quét mã trên chip, thông tin của người nuôi, giống loài, tiêm chủng... đều sẽ hiển thị.
Hiện, thú nuôi buộc phải cấy chip này để kiểm tra qua cổng hải quan khi vận chuyển bằng máy bay. Theo ông Trung, nếu việc cấy chip lên chó, mèo phổ biến. Khi một con vật đi rong, chính quyền có thể dùng thiết bị quét mã để biết thông tin của chủ sở hữu nhằm có phương án xử lý.
Lê Tuyết - Đình Văn