Quốc lộ 4C với chiều dài 185 km xuyên cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang mang tên đường Hạnh Phúc vốn là con đường được khởi đầu và thành hình từ công sức và cả máu xương của hàng vạn thanh niên xung phong từ những năm 50 – 60 thế kỷ trước.
Với dân phượt và những ai yêu thích khám phá vùng cao, đường Hạnh Phúc là một hành trình đặc biệt. Những con đèo cao vút như đèo Bắc Sum, đèo Cổng Trời, đèo Cán Tỷ, đèo Mậu Duệ, ngược lên Lũng Cú vời vợi mây trời, và đặc biệt là bức tường thành Mã Pì Lèng danh tiếng luôn là thử thách xứng đáng với họ.
Bỏ lại thành phố Hà Giang bình yên với cột mốc Km 0 của quốc lộ 2 để chinh phục đường Hạnh Phúc xuyên cao nguyên đá. Sau 20 km tương đối bằng phẳng là đèo Cổng Trời Quản Bạ sừng sững chào mời với độ dốc lớn khiến xe phải bò số 1, số 2. Đứng trên Cổng Trời Quản Bạ, du khách sẽ chẳng khó nhận ra thị trấn Tam Sơn giàu có trải rộng giữa lòng thung lũng. Những mái nhà tầng, biệt thự mọc lên san sát nhau kéo dài đến tận chân núi. Một thị trấn miền núi mà giàu đẹp không kém dưới xuôi.
Giữa những quả núi trùng trùng điệp điệp là núi đôi Quản Bạ, một vẻ đẹp tuyệt vời mà thiên nhiên đã ban tặng cho Tam Sơn, cho cao nguyên đá. Quản Bạ thực ra xa xưa là núi đôi Cô Tiên, có hai chóp giống hệt đôi gò bồng đảo của thiếu nữ nằm nổi bật giữa cánh đồng Tam Sơn rộng lớn, bằng phẳng và màu mỡ.
Đi trên những đoạn đèo dốc chốc chốc lại bắt gặp cảnh bình yên dưới lòng thung lũng. Những bản làng của các dân tộc những huyện vùng cao Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc giờ đây đã đổi thay. Người dân không còn trồng hoa anh túc như xưa nữa, giờ họ biết trồng ngô trên những núi đá khô cằn.
Cao nguyên đá Đồng Văn không chỉ là một công viên địa chất của thế giới, mà còn là một vùng đất chứa những chứng tích lịch sử rất tiêu biểu của đồng bào vùng cao tỉnh Hà Giang. Trước khi có con đường Hạnh Phúc, từ mạn Quản Bạ ngược về phía biên giới gần như bị chia cắt với miền xuôi bởi Cổng Trời.
Nằm sát con đường Hạnh Phúc và cách thị trấn Đồng Văn 14 km ngày nay là chứng tích về một thời của gia tộc họ Vương. Ông Vua Mèo Vương Chính Đức là người đầu tiên đặt nền móng cai trị các đồng bào dân tộc thiểu số ở đây.
Sự giao thương giữa Vua Mèo với phương Bắc thể hiện rõ nét trong kiến trúc của khu dinh thự họ Vương. Toàn bộ khu dinh thự rộng lớn được bao bọc bởi vòng tường đá dày 1 m, cao từ 2,5 – 3 m. Một khối lượng rất lớn gỗ lim, pơmu, sến… cùng với đá xanh khổng lồ đã dùng để xây lên khu vương phủ đồ sộ này.
Khi màu xanh của dòng Nho Quế khuất hẳn dưới khe núi cũng đến được Mèo Vạc, thị trấn với cột mốc Km185. Dẫu biết, cuộc sống của những con người vùng trời cực Bắc của tổ quốc vẫn còn nghèo đói lắm, gian nan lắm nhưng mầm “hạnh phúc” đang nảy nở giữa đá sỏi.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị