Ngồi nói chuyện với khách chưa đầy một tiếng đồng hồ, anh Thành, trưởng phòng kinh doanh của một công ty may đã nhấp nhỏm 2 lần, bụng sôi lên ọc ọc, mặt tái xanh cả đi, chỉ muốn chạy vào nhà vệ sinh. Chứng bệnh viêm đại tràng không ít lần khiến anh khổ sở như vậy.
Tình trạng này hành hạ anh Thành hơn một tháng nay. Anh đi khám bác sĩ, uống thuốc nhưng bệnh cứ khỏi được vài ngày là tái phát. Một lý do quan trọng là công việc của anh giờ giấc thất thường, hay phải ăn nhậu, tiệc tùng để tiếp khách nên hệ tiêu hóa chưa ổn định hẳn đã bệnh lại. Điều anh Thành thấy lạ là những khi ở nhà, cả ngày chỉ đi ngoài 2-3 lần nhưng đến cơ quan, nhất là lúc họp hành thì tần suất sự cố nhiều hơn hẳn.
Rối loạn tiêu hóa, bụng yếu… gây ra nhiều áp lực về sức khỏe và tinh thần cho mọi người. Theo các chuyên gia, một, hai lần mắc bệnh tiêu hóa đơn giản như táo bón, tiêu chảy... có thể không nguy hiểm, nhưng nếu một tháng có nhiều hơn hai lần đi ngoài phân lỏng, phân không thành khuôn, thường xuyên phải ngồi lâu trong nhà vệ sinh, sợ không dám ăn nhiều đồ lạ… thì bạn đang phải đối mặt với nguy cơ viêm đại tràng mãn tính - bệnh có thể theo bạn cả cuộc đời.
Không riêng anh Thành, rất nhiều người cũng gặp những sự cố cười ra nước mắt vì những bệnh về đường tiêu hóa. Việt Nam hiện có đến 70% dân số có nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa do nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (HP). Trao đổi với VnExpress.net, bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Vĩnh Hoàng Oanh cho biết, rối loạn tiêu hóa là một hội chứng được tạo ra bởi sự co thắt bất thường của các cơ vòng trong hệ tiêu hóa làm cơ thể đau bụng và thay đổi thói quen đại tiện. Đây không phải là một căn bệnh quá nguy hiểm nhưng khiến người mắc khó chịu, gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt. "Hội chứng này rất phổ biến, hầu như ai cũng từng mắc", bác Oanh nói.
Trong những nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học nhận thấy rối loạn tiêu hóa có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân, trong đó sự bài tiết của chất serotonin ở nơi tiết hợp thần kinh chạy dọc theo hệ thống tiêu hóa có thể đóng một vai trò chính yếu. Một giả thuyết khác được đưa ra với khí methane thặng dư trong ruột già (và ruột non) đưa đến rối loạn tiêu hóa.
Rối loạn tiêu hóa, thay đổi vấn đề đại tiện (ngày táo bón, ngày tiêu chảy với tình trạng nặng dần lên), dị ứng với đồ tanh, không dám ăn nhiều dầu mỡ, rượu bia, đau bụng (ở mỗi người có những biểu hiện khác nhau như đau râm râm, đau quặn từng cơn, co thắt), đầy bụng, xì hơi liên tục… là những triệu chứng đầu tiên và điển hình của viêm đại tràng mà nhiều người vẫn hay xem nhẹ và bỏ qua. Khi đó, họ chỉ tìm tới kháng sinh hay các thuốc cầm tiêu chảy, điều hòa nhu động ruột để trị triệu chứng tức thời. Đến khi bệnh nặng, ăn không ngon, ngủ không yên với những phiền toái trong sinh hoạt và công việc, nhiều người mới tìm đến cách chữa trị, thì đã muộn.
"Trong trường hợp rối loạn tiêu hóa, thuốc chỉ đóng một vai trò phụ trong việc chữa trị, quan trọng là thói quen sinh hoạt. Nếu dùng thuốc, mọi người nên hỏi ý kiến bác sĩ. Hội chứng này không nguy hiểm nhưng một số triệu chứng dễ nhầm với ung thư và các bệnh khác nên người bệnh nên đi khám sớm", bác sĩ Oanh tư vấn.
Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Hoàng Oanh cho biết thêm, tâm lý đóng một vai trò quan trọng trong các bệnh hội chứng rối loạn tiêu hóa. Vì thế buồn phiền, chán nản, u sầu, lo lắng, hồi hộp sẽ khiến những triệu chứng trên trở nên thường xuyên và trầm trọng hơn kể. Đây cũng là lý do vì sao anh Thành, trưởng phòng kinh doanh ở trên, gặp sự cố nhiều hơn khi đi làm, lúc phải họp hành so với những khi ở nhà. Vì vậy, mọi người cần phải có chế độ học tập, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý để tránh tình trạng stress.
Bên cạnh đó, để đẩy lùi hội chứng rối loạn tiêu hóa, bác sĩ Oanh khuyên mọi người cần ăn uống hợp vệ sinh để ngăn chặn vi khuẩn có hại, cân bằng chế độ dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày, đặc biệt cần thường xuyên bổ sung lợi khuẩn cho hệ đường ruột bằng loại sữa chua chứa men vi sinh sống Probiotics. Theo thông tin mới đây của Hãng tin UPI, trưởng nhóm nghiên cứu Bradley Johnston của Viện Nghiên cứu trẻ em ốm đau ở Toronto (Canada) công bố: lợi khuẩn từ men vi sinh sống Probiotics có trong sữa chua có thể giúp ngừa bệnh tiêu chảy - clostridium difficile - do uống thuốc kháng sinh gây ra một cách an toàn với chi phí thấp. Phát hiện này rất quan trọng vì việc điều trị bệnh tiêu chảy liên quan tới C.difficile rất tốn kém. Con người nên thường xuyên bổ sung lợi khuẩn cho hệ đường ruột bằng loại sữa chua chứa men vi sinh sống Probiotics.
Một hệ tiêu hóa khỏe mạnh cần có 85% lợi khuẩn và 15% hại khuẩn trong đường ruột. Hại khuẩn là một trong những tác nhân gây ra các bệnh về hệ tiêu hóa như viêm loét dạ dày, đầy hơi, ợ hơi, ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, táo bón, hội chứng ruột kích thích… Một trong những cách ngăn chặn hại khuẩn là tiêu thụ men vi sinh sống Probiotics mỗi ngày để tăng số lượng lợi khuẩn trong hệ vi sinh đường ruột, xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh và hệ tiêu hóa cân bằng. |
Xuân Ngọc