Những ngày đầu tháng 7, khi trời sập tối chị Nguyễn Thị Bảy, 36 tuổi, sống trong căn nhà rộng 30 m2 ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, vội lấy bình xịt lần mò từng ngóc ngách, góc tủ để phun hoá chất đuổi muỗi. Xịt xong, chị lại đốt hai khoanh nhang muỗi để dưới góc cầu thang, nơi chúng hay tập trung. Trước khi đi ngủ, chị còn cẩn thận dùng vợt điện quơ qua lại nơi treo quần áo nhiều lần để đảm bảo không còn con nào trong nhà.
Sở dĩ, chị phải làm đủ cách để đuổi muỗi vì trước đó 10 ngày, hai con gái 7 tuổi và 11 tuổi đã lần lượt bị sốt xuất huyết. Cả hai sốt li bì nhiều ngày khiến vợ chồng chị phải bỏ việc chăm sóc, tốn kém tiền bạc. Căn nhà vợ chồng chị sống nằm gần rạch Cầu Suối đã ô nhiễm, xung quanh nhiều bụi cỏ, ao tù khiến muỗi phát triển mạnh từ đầu mùa mưa.
"Nếu vợ chồng tôi mắc sốt xuất huyết thì không ai lo cho ba con và đứa cháu", chị nói. Chị Bảy cho biết, cùng lúc con chị mắc bệnh, người phụ nữ đối diện nhà cũng bị đông máu, tràn dịch phổi do sốt xuất huyết nên "rất lo lắng".
Cùng nỗi lo muỗi bùng phát, bà Lê Thị Thu Hương, 62 tuổi, sống tại phường 6, quận 8, cũng tìm đủ cách ngăn bệnh cho gia đình. Dù ngày hay đêm, bà Hương đều bôi thuốc chống muỗi, cho cháu ngủ mùng, bật máy quạt liên tục. Bà cẩn thận dọn dẹp các vật dụng đọng nước xung quanh nhà, rọi đèn pin bắt muỗi đậu trên mùng trước khi đi ngủ.
Tuy nhiên, cách làm này chỉ hạn chế muỗi một phần do xung quanh nhà bà có nhiều ao tù, bãi rác tự phát. Nhiều thùng xốp, vỏ chai, lốp xe cũ đọng nước mưa vô tình trở thành nơi cho muỗi sinh sản. "Ban đêm, muỗi bay vo ve khắp người nên cứ ăn tối xong là cả nhà lại chui vô mùng", người phụ nữ 44 tuổi nói.
Huyện Bình Chánh và quận 8 là hai trong số 8 địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất TP HCM. Tính đến hết tháng 6, thành phố đã có gần 21.000 ca- tăng hơn 172% so với cùng kỳ năm 2021.
Bà Lại Thị Bích Trâm, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A cho biết, xã có dân số đông đúc, công nhân sống tại các nhà trọ ẩm thấp gần nhiều kênh rạch, ao tù nên việc rải thuốc diệt muỗi chưa triệt để. Trong bối cảnh sốt xuất huyết tăng cao, đơn vị đã tăng cường thực hiện 7 giải pháp của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) để chống dịch.
"Chúng tôi sẽ tìm nhiều cách tuyên truyền đến từng nhà để người dân chủ động phòng tránh muỗi gây bệnh", bà Trâm nói. Nhân viên trạm y tế xã Vĩnh Lộc A còn chuẩn bị thuốc diệt muỗi, găng tay, dụng cụ y tế để khi người dân báo khu vực muỗi bùng phát sẽ xuống xử lý sớm, không để ổ dịch quá 48 tiếng.
Theo khảo sát của Trung tâm y tế quận 8, địa bàn có gần 1.500 điểm nguy cơ sốt xuất huyết. Trong đó, có hơn 1.000 điểm là "nhà dân dự trữ nước sinh hoạt có khả năng phát sinh lăng quăng". Đại diện UBND quận 8 cho biết, ngoài yếu tố khách quan do mùa mưa đến sớm, dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh xuất phát từ sự chủ quan của người dân.
"Đôi khi lăng quăng sinh sống trong chậu cây, bình cắm hoa nhưng người dân không hay biết", đại diện quận 8 nói và cho biết sắp tới sẽ xử phạt cá nhân, đơn vị nếu không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Hiện, nhiều bệnh viện tuyến cuối điều trị sốt xuất huyết rơi vào tình trạnh quá tải do số ca trở nặng gấp 7 lần, tử vong gấp hơn ba lần so với cả năm 2019 (thời điểm dịch sốt xuất huyết bùng mạnh). Các bệnh viện còn đối mặt với việc thiếu thuốc điều trị cho các trường hợp sốt xuất huyết nặng.
Phó giám đốc HCDC Lê Hồng Nga cho hay sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong, song chưa có thuốc đặc trị và vaccine phòng ngừa. Tuy nhiên, chỉ cần mọi người ý thức diệt được muỗi vằn - trung gian truyền bệnh là cách phòng ngừa sốt xuất huyết hiệu quả nhất.
HCDC khuyến cáo tất cả những nơi có sinh hoạt của con người đều phải thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết. Bên cạnh diệt lăng quăng, loại trừ các ổ sinh sản của muỗi, người dân cần áp dụng các biện pháp phòng tránh muỗi đốt như thoa kem chống muỗi, sử dụng nhang, bình xịt xua muỗi.
Đình Văn