Trang web mymobile.com.vn. |
Thấy mấy anh bạn ở cơ quan thi nhau dowload nhạc, cài đặt trò chơi hình ảnh cho điện thoại di động, Anh Vinh, ở Tây Sơn (Hà Nội), vừa tậu chiếc điện thoại Nokia 6270 cũng tìm đến một cửa hàng kinh doanh điện thoại di động để nhờ cài đặt.
*Mách nước gửi SMS dịp Valentine |
*Thế giới di động ngày Valentine |
*Romeo và Juliet của thời băng thông rộng |
Nhấn vài phím chuột, nhân viên cửa hàng liệt kê cho anh danh sách những ca khúc đang thịnh hành cùng với hàng loạt hình ảnh bắt mắt để lựa chọn. 2.000 đồng/lần cài, chỉ 10 phút sau, kho nhạc của anh đã có thêm 10 ca khúc mới. Những lúc buồn hoặc rảnh rỗi, anh lại mở ra nghe, âm thanh sống động chẳng khác gì máy MP3.
Ngày lễ tình yêu Valentine đang cận kề, giới trẻ bắt đầu sục sôi với những bản nhạc, những tấm thiếp nho nhỏ hình trái tim, ngộ nghĩnh để thay lời muốn nói gửi tới người yêu qua tin nhắn điện thoại di động. Thu Hương, sinh viên Trường Đại học Thương mại cho biết: "Ngày tình nhân năm nay, không có điều kiện gặp gỡ, thay vì gọi điện, em sẽ gửi một bài hát mà anh ấy thích thông qua chương trình quà tặng từ trái tim của Bưu điện Hà Nội".
Lan, Phương - sinh viên năm cuối Trường Đại học Ngoại thương - cũng lùng sục trên các báo chuyên về công nghệ, lựa chọn những hình ảnh hấp dẫn cùng lời chúc tốt đẹp để gửi tới "người ấy" qua tin nhắn điện thoại.
Một dịch vụ ngày Valentine.
Thị trường cung cấp, mua bán phần mềm, tiện ích cho điện thoại di động đang trở nên sôi động với sự góp mặt của nhiều nhà cung cấp dịch vụ. Không chỉ những trung tâm lớn như VASC, VDC, Mylove, Mymobile, Inet... mà ngay cả các cửa hàng nhỏ, nơi nào cũng vừa bán điện thoại, vừa mở thêm dịch vụ này. Nhờ đó không ít nơi có thêm được một khoản doanh thu kha khá và lôi kéo được số lượng lớn khách hàng.
Lãnh đạo Tổng công ty Bưu chính Viễn thông VN (VNPT) cho biết, Bộ Bưu chính Viễn thông chỉ quản lý các dịch vụ cơ bản như điện thoại cố định, điện thoại di động, Internet... còn những dịch vụ giá trị gia tăng khác lại do các doanh nghiệp viễn thông quản lý. Do vậy, để được cung cấp dịch vụ, những doanh nghiệp này phải ký hợp đồng với các nhà khai thác dịch vụ di động như VinaPhone, MobiFone... Sau đó, họ sẽ được cấp mã số (chẳng hạn Công ty Mymobile với mã số 8288 hay Dalink với 996) và được thiết lập phần mềm để nhận diện các thuê bao di động.
Mỗi nhà cung cấp này có trang web riêng cung cấp tên và mã bài hát hoặc hình ảnh. Khách hàng truy nhập vào trang web này hoặc gọi điện trực tiếp tới đường dây nóng hay tìm trên các tờ rơi là có thể biết được mã bài hát và cách thức sử dụng. Người sử dụng phải soạn tin nhắn ghi mã bài hát hoặc hình ảnh để gửi tới số dịch vụ, như vậy có thể chuyển những món quà theo ý muốn tới người thân.
Trang web Dalink. |
Do Viettel và S-Fone là hai doanh nghiệp mới, lượng thuê bao chưa nhiều nên hiện nay, các dịch vụ này mới chỉ được ứng dụng được với các thuê bao sử dụng mạng di động 090 và 091, mức phí tối đa cho một lần tải nhạc là 2.000 đồng.
Trong số gần 20 đơn vị đang cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng trên nền điện thoại di động, Dalink của Công ty Truyền thông VASC được coi là nhà cung cấp có số lượng nhạc chuông lớn nhất với hơn 2.000 bản các loại được soạn, phối khí hoặc ghép liên khúc theo lối remix... Đây cũng là nhà cung cấp đầu tiên tại Việt Nam cung cấp nhạc chuông có bản quyền của các nhạc sĩ.
Hiện nay công ty này đang có trung bình 500.000 khách hàng tuổi từ 18 đến 30 thường xuyên sử dụng hơn 30 dịch vụ các loại như tải nhạc chuông, ảnh nền, nhận các thông tin giải trí, tham gia trò chơi trúng thưởng và các chương trình tương tác trên di động.
Nhận thấy đây là thị trường tiềm năng, cách đây 1 năm, Công ty TNHH MBOX, TP HCM cũng bắt đầu ký hợp tác với các doanh nghiệp kinh doanh di động như VinaPhone, MobiFone để khai thác tiện ích trên điện thoại di động. Giám đốc Nguyễn Văn Minh nhận định, đây là lĩnh vực mạo hiểm song cũng đầy tiềm năng và sẽ phát triển mạnh khi hai doanh nghiệp mới là Hanoi Telecom và EVN Telecom chính thức tham gia thị trường. Hiện nay MBox đang gấp rút triển khai các dịch vụ thông tin giải trí trên điện thoại di động, thông tin thời tiết, kinh tế, tỷ giá, tin nóng...
Chọn nhạc trên ĐTDĐ. (mobymemory)
Theo thống kê của Công ty GPC - đơn vị chủ quản mạng di động VinaPhone - các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền điện thoại di động đang chiếm trên 10% doanh thu. Hiện có khoảng 10 doanh nghiệp ký hợp đồng cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng. Theo thỏa thuận, VinaPhone chỉ cung cấp cơ sở hạ tầng, mã số, còn đối tác liên kết chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đối với khách hàng. Mức cước sẽ do VinaPhone thu và chia cho đối tác theo tỷ lệ 50-50.
VinaPhone cũng ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (Fox) để cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng khác trên nền điện thoại di động.
Theo Giám đốc Công ty Viettel Mobile Tống Viết Trung, tới đây, khi giá cước không còn là vấn đề nóng, chất lượng dịch vụ dần đi vào ổn định thì yếu tố thu hút khách hàng chính là các dịch vụ giá trị gia tăng. Trong năm 2006, Viettel dự kiến sẽ đưa vào ứng dụng một loạt dịch vụ giá trị gia tăng như truy cập Internet, tải nhạc đa âm và hình ảnh sống động khi điện thoại kết nối GPRS, đồng thời, đẩy nhanh quá trình thử nghiệm và ứng dụng các dịch vụ trên nền công nghệ 3G.
Chọn nhạc gửi cho người yêu. (post.gazette)
Theo các chuyên gia viễn thông, ứng dụng các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền điện thoại di động là xu hướng tất yếu khi thị trường công nghệ thông tin phát triển mạnh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cách thức quản lý đối với loại công nghệ nội dung này như thế nào để tránh gây phiền hà cho người sử dụng phải được đặt lên hàng đầu.
Vấn đề bản quyền đối với những ca khúc hay hình ảnh cũng được lãnh đạo Công ty MobiFone nhấn mạnh. Khi dịch vụ đã thực sự phát triển mạnh, các doanh nghiệp bắt buộc phải mua bản quyền đối với ca khúc mà họ lựa chọn, nếu không có thể sẽ bị kiện bất kể lúc nào.
Một vấn đề nữa khiến các chuyên gia kỹ thuật băn khoăn là cách cài đặt phần mềm để tiếp nhận những dịch vụ giá trị gia tăng cho máy. Theo ông Nguyễn Trần Thái Bình, phụ trách kỹ thuật doanh nghiệp chuyên về công nghệ thông tin I-Phone, về mặt nguyên tắc, trừ những phần mềm mặc định của nhà sản xuất không thể xóa được, còn những phần mềm tải vào được thì có thể gỡ bỏ. Nhưng đôi khi, có những phần mềm cài thì dễ nhưng không thể gỡ được vì nó đã chạm vào hệ thống của máy.
Chính vì thế không ít khách hàng bị treo máy khi cài đặt những phần mềm bản beta đầy rẫy trên mạng hoặc nghe lời giới thiệu từ các đại lý. Những phần mềm này, sau khi hết thời gian cho phép dùng thử (thường là 1 tuần cho đến 15 ngày), đã làm ảnh hưởng đến Firmware.
Theo các chuyên viên kỹ thuật thì những lỗi trên không thể tự khắc phục được mà phải có thiết bị chuyên dùng và thợ chuyên nghiệp format hệ thống và cài lại firmware cho máy. Do vậy, để chiếc máy hoạt động ổn định, ít gặp sự cố, cần có sự tỉnh táo của chủ nhân khi lựa chọn các ứng dụng chọn nơi an toàn và chỉ nên cài thêm những phần mềm cần thiết vì bộ nhớ của máy là hữu hạn.
(Theo VnExpress)