Sau ngày 30/3, khi các sàn vàng đóng cửa theo lệnh của Thủ tướng, những đơn vị trên đã công bố trên website của mình hoạt động kinh doanh vàng vật chất, chỉ cần đặt cọc 5%. Khi Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ thanh tra, kiểm tra các sàn vàng biến tướng, họ nhanh chóng gỡ toàn bộ thông tin về hoạt động kinh doanh vàng vật chất theo kỳ hạn ra khỏi trang web.
Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư cho biết vẫn đang được một số đơn vị như Trung tâm mua bán vàng Ngọc Thanh, vàng 24K...mời chào ký hợp đồng. "Người chơi chỉ cần đặt cọc khoảng 5% có thể giao dịch vàng vật chất như với vàng tài khoản. Nếu đến kỳ hạn quy định, nhà đầu tư chưa đủ tiền nộp mua vàng sẽ phải chịu lãi suất ký gửi để duy trì trạng thái", một khách hàng tại Trung tâm vàng 24K nói.
Một số môi giới cũng đang ráo riết giới thiệu dịch vụ mở tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài (trên các trang web như FXPRO, FXDD, FXCM…). Chỉ cần hai bước, chuẩn bị hồ sơ sau đó gửi đến email của môi giới để được hướng dẫn hoàn thiện mở tài khoản và nhận chuyển tiền...
Hoạt động kinh doanh vàng vật chất kỳ hạn bắt đầu bùng nổ. Ảnh: Hoàng Hà |
Theo một chuyên gia về kinh doanh vàng tại TP HCM, thực chất hình thức đặt cọc 5% cũng tương tự như ký quỹ, là cách để kinh doanh vàng tài khoản phổ biến bấy lâu nay. Vì nếu đã là đầu tư vàng vật chất thì phải đưa đủ 100% tiền mặt mới được nhận vàng, chứ không doanh nghiệp nào lại chấp nhận khoản tiền cọc chỉ 5%.
Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tại TP HCM cho biết, cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, nếu phát hiện các trường hợp vi phạm như hoạt động sàn chui, mở tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài... sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Riêng những biến tướng sau khi sàn vàng đóng cửa, Ngân hàng Nhà nước TP HCM sẽ tập hợp và ghi nhận, đề xuất hướng xử lý gửi lên Vụ quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước. |
"Rồi đây, sẽ có nhiều người tiếp tục "chết" vì vàng nếu những hình thức này không được kiểm soát", vị chuyên gia này nói.
Thực tế, trước và trong khi có sàn vàng, hình thức kinh doanh vàng vật chất kỳ hạn đã hoạt động và "dìm chết" rất nhiều người tham gia.
Lãnh đạo một công ty kinh doanh vàng tại TP HCM cho rằng, trường hợp vỡ nợ của chủ tiệm vàng Tuấn Tài hồi tháng 11 năm ngoái cũng chính vì tham gia vào hình thức "đánh vàng ngoài sàn" như trên. Họ chỉ cần mang một số tiền đến ngân hàng ký quỹ 5-7%, còn nhà băng chịu 93-95%, để vay một số vàng lớn. Sau đó, người chơi chờ giá vàng xuống để hưởng phần chênh lệch. Cách chơi này giới đầu cơ gọi là đánh xuống.
Tuy nhiên, tháng 11 năm ngoái, khi giá vàng vượt 29 triệu đồng một lượng khiến người chơi hoảng loạn, tìm cách mượn vàng bạn hàng, vay của dân, mua giá cao để cắt lỗ nhưng vẫn không trả đủ cho ngân hàng. Cuối cùng, người chơi chấp nhận thanh lý hợp đồng ngay thời điểm giá cao, đồng nghĩa với việc chịu thua lỗ nặng.
Năm 2007, cuộc chơi kinh doanh "vàng ngoài sàn" cũng diễn ra tương tự, để lại nhiều nạn nhân với những cuộc kiện tụng cho đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Nhiều người sau đợt sốt vàng 3 năm trước giờ cũng chìm trong nợ nần với khoảng vài trăm lượng.
Mấy tháng nay, ông Trương Văn Tấn (Hóc Môn, TP HCM), một người chơi vàng năm 2007, cầm lá đơn khởi kiện vừa nhận được từ một ngân hàng thương mại tại TP HCM mà lo lắng không yên. Ông bị nhà băng này đưa ra tòa vì “không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ theo cam kết”.
Ông Tấn cho biết, trong đơn khởi kiện, ngân hàng yêu cầu ông phải trả hơn 600 lượng vàng là nợ gốc cộng lãi phát sinh, lãi phạt chậm. Đơn khởi kiện còn liệt kê các loại tài sản thế chấp cho khoản nợ mà ông đã trót lao vào cuộc chơi vàng năm ấy, bao gồm một ôtô Mitsubishi 7 chỗ, 18 thửa đất ở Long An, 36 thửa đất ở Tây Ninh...
Nhớ lại diễn biến của ba năm về trước, ông Tấn nghẹn giọng kể, nếu giá vàng tại thời điểm khoảng 12,5 triệu đồng một lượng, ông nộp ngân hàng khoảng 1,5 tỷ đồng tiền ký quỹ (7%), nhà băng mở cho ông một sổ tiết kiệm có giá trị 14 tỷ đồng (ngân hàng 93%). Đổi lại, ông phải ký với ngân hàng một hợp đồng vay 1.000 lượng vàng với lãi suất 3,5% một năm, còn sổ tiết kiệm trị giá 14 tỷ đồng được xem là tài sản cầm cố để đảm bảo khoản vay. Nếu giá vàng xuống dưới 12,5 triệu đồng mỗi lượng (tức 12,5 tỷ đồng cho 1.000 lượng vàng) ông thu được khoản lời chênh lệch. Ngoài ra, ông Tấn còn được hưởng tiền lãi từ sổ tiết kiệm, nếu trừ lãi suất vàng mỗi tháng cũng thu lời 40-50 triệu đồng (trong trường hợp giá vàng ổn định và ít biến động).
Thấy số tiền lời quá hấp dẫn, ông Tấn lao vào chơi. Chưa đầy 3 tháng, toàn bộ tài sản lần lượt ra đi do giá kim loại quý liên tục tăng cao. Không chỉ tài sản của gia đình bị ném vào khoản tiền bổ sung ký quỹ, nhà đầu tư này còn đi vay mượn tiền bạc, đất đai, nhà cửa của anh em, dòng họ để bổ sung vào. "Đến khi, mọi nguồn lực cạn kiệt, không thể chống đỡ nổi, tôi đành mang khoản nợ 600 lượng vàng mà không có cách nào trả được", ông Tấn nói.
Nhà đầu tư vàng này bức xúc, khoản nợ của mình có thể sẽ nhẹ hơn nếu như theo đúng hợp đồng, khi dư nợ vượt quá 98% giá trị tài sản cầm cố (sổ tiết kiệm), ngân hàng tự động cắt lỗ, tất toán hợp đồng cho khách hàng. Đằng này, nhà băng cho rằng, khi ông Tấn không yêu cầu thì họ có quyền cắt hoặc không cắt. Do đó, ngân hàng vẫn cứ để mặc cho nhà đầu tư say máu, chìm ngập trong thua lỗ đến mức tài khoản của họ vượt 130% so với tài sản cầm cố (tức bị âm đến 30%), mới tất toán. Đến lúc này, ông Tấn bị cột chặt vào hợp đồng tín dụng kiêm khế ước nhận nợ để trở thành con nợ của ngân hàng.
Ngoài ra, hơn chục nhà đầu tư khác như bà Hiệp, bà Nhân, bà Hà...sống tại TP HCM cũng đang chung cảnh nợ nần như ông Tấn khi trót dính vào cuộc chơi vàng 2007. Giờ đây, họ phải ngày đêm chạy trốn chủ nợ và sống cảnh vất vưởng khắp nơi.
Lệ Chi