Một số nhà bán lẻ ở Singapore đang chạy đua để tự động hóa dịch vụ trong cửa hàng. Đơn cử như giải pháp tự thanh toán, giúp giảm thời gian chờ đợi cho khách hàng. Đối với họ, đây là giải pháp hàng đầu để thích ứng với tình trạng thiếu hụt lao động, dẫn đến chi phí nhân công tăng cao ở đảo quốc này.
Cheers, một chuỗi cửa hàng tiện lợi địa phương, đã mở thí điểm một cửa hàng không nhân viên vào hồi tháng 7 trong khuôn viên một trường đại học. Cửa hàng có một khu vực lắp các máy bán thức ăn nóng tự động, từ cơm chiên cho đến pizza. “Rất nóng sốt và ngon miệng. Tôi thấy rất thuận tiện để mua sắm một cách nhanh chóng thế này”, một sinh viên cho biết.
Cửa hàng còn có khu vực máy tự thanh toán để khách hàng mua các sản phẩm khác vì không có nhân viên nào ở đây. Để đảm bảo an ninh, cửa hàng được quản lý thông qua ứng dụng. Khách hàng cần cài ứng dụng của nhà bán lẻ. Họ phải dùng ứng dụng để quét mã QR khi vào và rời khởi cửa hàng. Nhà bán lẻ cũng tận dụng tối đa các dữ liệu số, bao gồm theo dõi hành vi người mua qua camera cũng như tự động yêu cầu bổ sung hàng để lắp đầy các kệ.
NTUC FairPrice Co-operative, nhà điều hành chuỗi bán lẻ này cho biết, cửa hàng không nhân viên kết hợp với thanh toán không tiền mặt có thể tiết kiệm được 180 giờ thuê lao động một tuần. Mặc dù chỉ mới thí điểm nhưng công ty cũng đang chuẩn bị mở rộng mô hình này tại Singapore.
Hướng đi này còn giúp công ty phân bổ lại nguồn nhân lực, tập trung vào những công việc có giá trị cao hơn. Theo đó, lao động sẽ chủ yếu tham gia vào các khâu như quản lý chuỗi cung ứng, quản lý quan hệ khách hàng, tiếp thị kỹ thuật số hay phân tích dữ liệu.
Các hệ thống siêu thị tại Singapore cũng bắt đầu tự động hóa để giảm bớt sự phụ thuộc vào việc thuê mướn lao động. Đã có 63 trên 140 siêu thị thuộc hệ thống FairPrice có hệ thống tự thanh toán.
Sheng Siong Group, một chuỗi siêu thị giá cả phải chăng cũng tự động hóa một phần quá trình thanh toán. Thay vì nhân viên thanh toán thu nhận, đóng gói hàng hóa và thu tiền người mua thì nay khách hàng có thể trả tiền cho hóa đơn qua máy thu tiền. Có 22 trong số 43 siêu thị của hệ thống này đã triển khai.
Một số nhà bán lẻ thậm chí còn từ bỏ mô hình cửa hàng truyền thống với nhân viên phục vụ và tính tiền. Kalms, một nhà bán lẻ chuyên về quà tặng của Singapore năm ngoái đã đóng tất cả các cửa hàng có nhân viên sau khi phải vật lộn với chi phí thuê nhân công cao.
Hiện tại, công ty tập trung vào mảng thương mại điện tử và các máy bán hàng tự động. Từ tháng 11/2016, công ty lắp các máy bán hàng tự động tại các khu vực trung tâm, các trạm tàu điện để kinh doanh đồ phụ kiện, đồ chơi mềm và một số mặt hàng quà tặng khác.
Các nhà bán lẻ ở Singapore buộc phải tự động hóa cửa hàng, siêu thị do áp lực từ cuộc khủng hoảng lao động. Trước đây, khu vực bán lẻ phụ thuộc khá nhiều vào lao động nước ngoài. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, chính phủ nước này đã siết chặt việc cấp phép lao động nước ngoài vì làn sóng phản đối của người dân. Kết quả, ngành bán lẻ thiếu nhân lực và chi phí thuê mướn nhân công tăng vọt.
Đẩy mạnh tự động hóa cũng phù hợp với định hướng chính phủ Singapore với mục tiêu nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động suốt đời. Người lao động nước này đang nhận được các hỗ trợ tài chính để nâng cao kỹ năng. Ý tưởng ở đây là, trong khi tự động hóa thay thế con người ở một số công việc thì chính những người đó sẽ có thời gian để cập nhật kỹ năng mới, chuyển sang công việc có trình độ và mức lương cao hơn.
Phiên An (theo Nikkei, StraitsTimes)